Các tác dụng không mong muốn của điều trị toàn thân ung thư phổi

Linh Chi, icon
01:31 ngày 24/11/2020

VTV.vn - Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của các bác sĩ Khoa Nội 2 - Bệnh viện K, ung thư phổi được chia thành 2 loại chính, bao gồm ung thư phổi tế bào nhỏ - chiếm khoảng 10 - 15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ - chiếm khoảng 85%.

Tại Việt Nam, khoảng 70% bệnh nhân đến vào giai đoạn III - IV điều trị chủ yếu là các phương pháp điều trị toàn thân, bao gồm điều trị bằng các thuốc điều trị đích, hóa trị hay điều trị miễn dịch. Mỗi phương pháp điều trị sẽ có những tác dụng không mong muốn riêng mà bệnh nhân cần phải nắm được để trao đổi kịp thời với bác sĩ điều trị của mình.

Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng các thuốc điều trị đích

Tiêu chảy: Bệnh nhân đi ngoài phân sệt hoặc phân lỏng, phân nước trên 3 lần/ngày.

Phát ban da: Phát ban da hoặc mụn (như mụn mủ) trên da bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, có thể kèm theo ngứa hoặc đau.

Viêm miệng: Bệnh nhân nên ăn các thức ăn mềm và nhạt, tăng cường vệ sinh răng miệng, nên dùng bàn chải lông mềm, không dùng nước súc miệng có cồn.

Viêm quanh móng: Viêm quanh móng (chín mé) là tình trạng viêm và nhiễm khuẩn da vùng quanh móng. Vùng da xung quanh móng chân hoặc móng tay bị sưng đỏ.

Tăng men gan: Dựa vào xét nghiệm máu mà nhận biết được vấn đề này.

Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng các thuốc hóa trị

Phản ứng truyền: Ngay sau khi tiếp xúc với hóa chất, bệnh nhân xuất hiện cảm giác bồn chồn, hốt hoảng, nổi mẩn ngứa vùng mặt cổ hoặc toàn thân, mạch nhanh, khó thở, đau đầu, chóng mặt…

Nôn và buồn nôn: Nôn có thể khởi phát trong vòng vài giờ hoặc có thể kéo dài 48h sau khi hóa trị liệu. Nôn cũng có thể khởi đầu trước khi hóa trị ở bệnh nhân đã từng bị nôn do hóa chất trước đó.

Độc tính vùng khoang miệng.

Tiêu chảy.

Sốt hạ bạch cầu: Bệnh nhân xuất hiện sốt trên 38 độ C, xét nghiệm máu số lượng bạch cầu đa nhân trung tính < 500 G/L.

Thiếu máu: Da, niêm mạc nhợt nhạt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, xét nghiệm máu số lượng hồng cầu giảm, huyết sắc tố giảm < 120g/l.

Thoát mạch: Xuất hiện phồng ven tại vị trí cắm kim khi đang truyền hóa chất, có thể kèm theo cảm giác nóng, đau, buốt.

Khi sử dụng thuốc hóa trị, thuốc điều trị đích, người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều các tác dụng phụ khác nhau, tuy nhiên thay vì quá lo lắng, người bệnh cần thực hiện những lời khuyên dưới đây để kiểm soát những vấn đề này:

- Phải thông báo ngay với bác sĩ điều trị khi xảy ra bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

- Không tự ý thay đổi liều hoặc ngừng điều trị thuốc.

- Không tự ý sử dụng thuốc điều trị triệu chứng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.

- Sử dụng các thuốc hỗ trợ theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng các thuốc miễn dịch

Miễn dịch là phương pháp điều trị mới đã bắt đầu được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Một số các tác dụng phụ hay gặp của phương pháp này như: cường giáp, suy giáp, viêm đại tràng, tiêu chảy, viêm da, viêm phổi kẽ… Đa số các tác dụng phụ này gặp với tỷ lệ thấp và có thể hồi phục với các liệu pháp hỗ trợ, do đó bệnh nhân cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị khi xảy ra bất kỳ triệu chứng bất thường nào để có hướng xử trí phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục