Can thiệp mạch thành công cho bệnh nhân bị hẹp tĩnh mạch chủ trên có giải phẫu bất thường

P.V, icon
07:24 ngày 16/06/2023

VTV.vn - Nữ bệnh nhân 48 tuổi, ở Hà Nội, được chẩn đoán suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 3 năm nay.

Hình ảnh hẹp tĩnh mạch của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Tay phải của bệnh nhân phải làm nhiều cầu nối động mạch và tĩnh mạch để lọc máu do các cầu nối này liên tục bị tắc. Khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân thấy toàn bộ tay bên phải xuất hiện phù to rất nhanh, các cầu nối không hoạt động được. Do chỉ phù to ở tay phải nên bệnh nhân đã đến nhiều cơ sở y tế điều trị nhưng chưa phát hiện ra bệnh.

Bệnh nhân vào khám Khoa Can thiệp Tim mạch - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Quân y 103 và được làm các xét nghiệm chuyên sâu. Các bác sĩ đã phát hiện toàn bộ hệ thống tĩnh mạch tay phải của bệnh nhân giãn to và có tổn thương hẹp nặng tĩnh mạch chủ trên.

Thông thường với các trường hợp bị hẹp tĩnh mạch chủ trên như bệnh nhân này, triệu chứng sẽ biểu hiện là phù ở mặt, cổ, lồng ngực, phù cả 2 tay, cổ thường to bạnh, phù kiểu áo khoác. Tuy nhiên, do giải phẫu tĩnh mạch chi trên bên trái của bệnh nhân bất thường, không đổ trực tiếp vào tĩnh mạch chủ trên nên chỉ biểu hiện phù ở tay bên phải.

Do bệnh nhân có nhiều bệnh nền nặng nên các bác sĩ đã quyết định chọn phương pháp can thiệp nội mạch, nong bóng vị trí hẹp của tĩnh mạch chủ trên để giảm tối đa các nguy cơ tai biến, biến chứng có thể xảy ra.

Sau can thiệp, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cải thiện nhanh chóng, đặc biệt là toàn bộ tay phải đã giảm phù rõ rệt sau 1 tuần điều trị. Hiện tại, bệnh của bệnh nhân đã ổn định và đã được ra viện, tiếp tục chạy thận nhân tạo ngoại trú.

Bệnh lý hẹp, tắc tĩnh mạch chủ trên thường do các khối u chèn ép tĩnh mạch chủ trên từ bên ngoài vào, hiếm gặp hơn là các trường hợp lọc máu chu kỳ có cầu nối động tĩnh mạch dẫn tới tình trạng động mạch hóa tĩnh mạch, cục huyết khối làm hẹp, tắc tĩnh mạch chủ trên.

Phương pháp can thiệp nội mạch điều trị hẹp tĩnh mạch chủ trên bằng nong bóng hoặc kết hợp đặt giá đỡ tĩnh mạch có tỷ lệ thành công cao, ít xâm lấn, biến chứng thấp, thời gian nằm viện ngắn và có thể áp dụng trên các người bệnh lớn tuổi, nhiều bệnh nền phức tạp.

Tuy nhiên, đối với người bệnh có giải phẫu hệ tĩnh mạch chi trên bất thường và có nhiều các cầu nối động - tĩnh mạch ở tay thì biểu hiện của hẹp, tắc tĩnh mạch chủ trên có thể không điển hình. Do đó, người bệnh vẫn cần được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục