Cần thiết một lớp học cho trẻ tự kỷ

Hồng Phượng – Thế Anh, icon
07:58 ngày 16/03/2013

  Tự kỷ là một chứng bệnh khiến trẻ bị mắc một tổ hợp những khiếm khuyết về thần kinh dẫn đến những khó khăn về mặt giao tiếp, xã hội và hành vi.

Có môi trường học tập thích hợp, trẻ tự kỷ sẽ sớm hòa nhập và cởi mở hơn. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Theo thống kê của Sở GD - ĐT Hà Nội, hiện nay ở Hà Nội có khoảng hơn 1.000 trẻ tự kỷ ở độ tuổi tiểu học. Làm thế nào để có một môi trường giáo dục thích hợp dành cho trẻ tự kỷ cũng là điều hết sức cần thiết.

Tại trường tiểu học Bạch Mai, học sinh có hội chứng tự kỷ sẽ được theo học trong các lớp chuyên biệt được chia thành các nhóm nhỏ cho từng môn học. Phương pháp này được phát huy dựa trên khả năng riêng của từng em học sinh.

Em nào nổi trội và có hứng thú với môn học nào sẽ được tiếp tục dạy chuyên sâu về môn học đó. Quá trình tiếp cận với từng cá nhân sẽ dừng lại nếu tâm lý học sinh đó không ổn định.

Tất cả trẻ tự kỷ đều có một điểm chung là khó khăn về giao tiếp và tương tác xã hội. Chính vì thế khi trẻ tự kỷ hòa nhập vào giáo dục cộng đồng sẽ tạo ra sự tương tác cần thiết, có lợi cho quá trình giao tiếp của các em.

Việc không kiểm soát được hành vi của trẻ tự kỷ khiến cho nhiều bậc phu huynh rất lo ngại khi có trẻ tự kỷ học tại các lớp hòa nhập. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ngay cả các nước phát triển như Mỹ cách đây nhiều năm.

Tiến sĩ Helen Tager, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế nghiên cứu về tự kỷ cho biết: “Cách đây 35 năm, tại Mỹ, khi tôi bắt đầu nghiên cứu về tự kỷ thì số lượng trẻ phát hiện có hội chứng tự kỷ rất ít và số người hiểu về hội chứng này cũng rất ít. Các bậc cha mẹ ở Mỹ lo ngại khi có học sinh tự kỷ học cùng con mình. Tuy nhiên với những nỗ lực của công tác truyền thông đã nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân Mỹ đã hiểu rõ hơn về hội chứng này và người ta cũng thông cảm hơn”.

Số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng trong khi hệ thống cơ sở giáo dục dành cho đối tượng này còn hạn chế. Không có bác sĩ được đào tạo bài bản và giáo viên thì chỉ tham gia các khóa bồi dưỡng "chắp vá", ngay cả một chương trình chuẩn cũng chưa có mà phải sử dụng của nước ngoài.

Hàng loạt các hạn chế trong vấn đề giáo dục trẻ tự kỷ đã được nêu lên tại Hội thảo “Chăm sóc và Giáo dục trẻ Tự kỷ ở Việt Nam - Thực trạng và Triển vọng” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Tổ chức Unicef Việt Nam tổ chức. Và đây chính là dịp để các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ.

Nhu cầu đi học của trẻ tự kỷ ngày càng cao, nhu cầu về giáo viên có kỹ năng chuyên sâu ngày càng lớn. Điều này cho thấy sự cấp bách của việc nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra càng đặt ra một bài toán cho ngành giáo dục nói chung và Khoa học giáo dục đặc biệt nói riêng trong sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ.

Một trong những lỗ hổng lớn nhất trong công tác chăm sóc trẻ tự kỷ ở nước ta hiện nay là việc phát hiện trẻ tự kỷ còn quá chậm. Trong khi đó, phát hiện sớm tự kỷ đang là vấn đề cấp bách và quan trọng của nhiều nước trên thế giới. Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội.

Cùng chuyên mục