Nam bệnh nhân bị bỏng nặng do điện giật khi câu cá dưới đường điện

P.V, icon
03:00 ngày 06/06/2022

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân bị bỏng nặng do điện giật khi đi câu cá dưới đường điện.

Hình minh họa.

Tối ngày 5/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận nam bệnh nhân 25 tuổi, nhập viện trong tình trạng bỏng toàn thân bỏng độ 2, 3, 4 khoảng 40% vùng mặt, cổ, ngực bên trái, cẳng tay, chân, vùng đầu có vết thương rách 3 cm, khó thở nhẹ.

Theo lời người nhà kể lại, bệnh nhân đi câu cá, do dây câu dài nên khi quăng dây bị mắc vào dây điện và bị điện giật ngã xuống ao.

Hiện tại, bệnh nhân đang được hồi sức tích cực và được hội chẩn chuyển tuyến trên điều trị tiếp.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân khi làm việc gần các đường dây diện cần hết sức cẩn thận đề phòng những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tuyệt đối không đi câu hay làm những công việc mà dụng cụ hay các động tác có thể tác động gây phóng điện, rất nguy hiểm.

Đối với trường hợp bệnh nhân bị bỏng điện, các bước sơ cứu như sau:

Không chạm vào nạn nhân khi họ vẫn tiếp xúc với luồng điện: Trước tiên, cần ngắt hết các thiết bị điện hoặc nguồn điện để ngăn không cho dòng điện tiếp tục truyền qua cơ thể nạn nhân. Trong trường hợp không thể ngắt nguồn điện ngay lập tức, bạn nên đứng trên bề mặt khô ráo và dùng thanh gỗ để đẩy nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Tuyệt đối không sử dụng vật bằng kim loại hoặc vật bị ướt, vì chúng dễ bắt điện, khiến cho bạn cũng có thể bị điện giật.

Không di chuyển nạn nhân khi không cần thiết: Sau khi tách nạn nhân ra khỏi dòng điện, cố gắng không di chuyển họ tới vị trí khác trừ trường hợp thật sự cần thiết.

Kiểm tra xem nạn nhân có phản ứng không: sau khi bị điện giật, nạn nhân có thể lâm vào trạng thái bất tỉnh, hoặc không có bất kỳ phản ứng nào khi bạn chạm vào hay nói chuyện với họ. Trong trường hợp nạn nhân ngưng thở, bạn cần thực hiện hô hấp nhân tạo và thủ thuật hồi sức tim phổi ngay lập tức.

Gọi cấp cứu: khi nạn nhân không có phản ứng, hoặc bị bỏng do đường dây điện cao thế, do sét đánh. Hoặc người gặp nạn có các dấu hiệu như bỏng nặng, tim đập nhanh, ngưng tim, co giật, vẫn tỉnh táo nhưng khó khăn khi di chuyển hoặc giữ thăng bằng, có các vấn đề về thị lực, thính lực, đau rút cơ, khó thở.

Trong khi chờ sự trợ giúp từ y tế có thể sử dụng băng gạc khô và vô trùng để che vết bỏng do điện gây ra. Trong trường hợp nạn nhân bị bỏng điện nặng, không nên cố gắng gỡ những mảnh quần áo dính trên da nạn nhân, thay vào đó, dùng kéo cắt bỏ nhẹ nhàng phần quần áo không dính vào vùng da bị bỏng. Không nên sử dụng khăn tắm hoặc chăn phủ lên vết bỏng vì các sợi vải có thể rơi ra và dính lên vết thương, khiến vùng da bị bỏng trở nên tồi tệ hơn. Tuyệt đối không cố gắng làm mát vùng da bị bỏng điện bằng nước đá lạnh và không bôi dầu mỡ lên trên đó.

Theo dõi các triệu chứng của nạn nhân: các triệu chứng sau khi bị bỏng điện có thể bao gồm ớn lạnh, da nhợt nhạt, mạch đập nhanh.

Cố gắng giữ ấm cho nạn nhân trong lúc chờ nhân viên cứu trợ vì nó có thể khiến cho các triệu chứng sốc trở nên nghiêm trọng hơn, có thể dùng chăn hoặc áo đắp cho nạn nhân, nhưng chú ý không đắp lên vết bỏng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục