Cảnh báo đột quỵ mùa nắng nóng

P.V, icon
01:36 ngày 26/06/2021

VTV.vn - Thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân bi đột quỵ do làm việc trong thời tiết nắng nóng.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân P.T.M. (49 tuổi, trú tại Nông Sơn, Quảng Nam) khi đang làm vườn vào lúc hơn 11 giờ trưa thì đột ngột ngã quỵ, nói ú ớ nên người nhà đưa bà vào bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển Bệnh viện Đà Nẵng.

Trường hợp này may mắn được người nhà phát hiện và đưa vào bệnh viện kịp thời nên quá trình điều trị được thuận lợi hơn và phục hồi tốt.

Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc được, còn yếu nhẹ nửa người, bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Đột quỵ.

Trường hợp khác là bệnh nhân N.Q.M. (39 tuổi, trú tại Thanh Khê, Đà Nẵng) đang làm việc tại công trình thì đột ngột mệt, đau đầu sau đó mất ý thức. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không được theo dõi điều trị thường xuyên.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng rối loạn tri giác, huyết áp tăng cao, CTscan sọ não ghi nhận hình ảnh xuất huyết não - não thất.

Cảnh báo đột quỵ mùa nắng nóng - Ảnh 1.

Hiện tại, sau quá trình điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, đỡ đau đầu tuy nhiên cần thêm thời gian để có thể phục hồi.

Theo bác sĩ Dương Quang Hải, Phó Trưởng Khoa Đột quỵ, khi trời nắng nóng, đặc biệt đối với những người hoạt động ngoài trời rất dễ dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước quá mức. Điều này dẫn đến độ nhớt của máu tăng cao, hồng cầu bị cô đặc thúc đẩy việc hình thành cục máu đông trong cơ thể.

Nhiệt độ cao cũng khiến các mạch máu bị giãn, cùng với việc tăng độ nhớt máu khiến lưu lượng máu cung cấp cho não bị giảm. Đây là một yếu tố nguy cơ gây nên đột quỵ nhất là ở những người có xơ vữa mạch máu hay hẹp động mạch não.

Ngoài ra, khi ở ngoài nắng quá lâu, thân nhiệt cơ thể bị tăng cao làm rối loạn các hoạt động điều hòa của cơ thể như hoạt động hệ thần kinh, tim mạch, nội tiết… dễ dẫn đến các tình trạng bệnh lý đặc biệt ở những bệnh nhân có các bệnh lý nền.

Bác sĩ Hải khuyến cáo: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện tại, ngoài các biện pháp phòng tránh đột quỵ như kiểm soát tốt bệnh lý nền, không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, bổ sung nhiều rau xanh… mọi người nên tránh hoạt động ở ngoài trời quá lâu, đảm bảo uống đủ nước, không bật điều hòa nhiệt độ quá thấp, tránh thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột.

Khi có các dấu hiệu của đột quỵ cấp như: méo miệng, yếu liệt tay chân, nói khó, mất thăng bằng, người thân nên gọi cấp cứu để đưa người bệnh vào viện kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục