Cảnh báo ngộ độc củ ấu tàu

P.V, icon
08:34 ngày 25/08/2023

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nam 46 tuổi có thói quen ăn củ ấu tàu.

Cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc. Ảnh: BVCC

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân ra chợ mua củ ấu tàu về đập nát rồi ninh với xương để ăn. Sau ăn khoảng 3 giờ, bệnh nhân xuất hiện buồn nôn, nôn và tê bì vùng mặt lưỡi và miệng rồi lan ra toàn thân kèm theo co quắp chân tay, vã mồ hôi, tức ngực khó thở, nôn liên tục.

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Trạm Y tế xã Lùng Vai. Với sự tư vấn chuyên môn của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, bệnh nhân được xử trí ban đầu và chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương trong tình trạng kích thích nhiều, da lạnh, vã mồ hôi, kêu đau tức ngực, khó thở, SpO2 88%, huyết áp không đo được, rối loạn cơ tròn, đại tiện không tự chủ.

Bệnh nhân đã được kíp trực hội chẩn, xác định bị ngộ độc Aconitin có trong củ ấu tàu, nguy cơ tử vong cao do rối loạn huyết động và rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân đã được xử trí theo phác đồ thuốc chống loạn nhịp và thuốc vận mạch.

Sau 2 giờ xử trí, mạch và huyết áp bệnh nhân dần ổn định trở lại. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không còn đau tức ngực, không khó thở, các chỉ số sống ổn định.

Các bác sĩ khuyến cáo: Khi sử dụng các chế phẩm có thành phần là củ ấu tàu, người dân cần thận trọng. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Không được uống rượu ngâm củ ấu tàu bởi có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em.

Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà tự theo dõi hoặc điều trị theo biện pháp dân gian.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục