Cảnh báo nguy hiểm khi nắn, bẻ gai cột sống

Mai Lê, icon
10:12 ngày 14/07/2019

VTV.vn - Tin vào những lời quảng cáo thổi phồng quá mức, nhiều người dân bị bệnh gai cột sống đã đổ xô đi điều trị bệnh bằng cách nắn, bẻ gai ở cơ sở không có chuyên môn.

Châm cứu điều trị gai cột sống cho bệnh nhân.

Là người bị gai cột sống gần 20 năm, chị Nguyễn Thị Lý (trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã áp dụng rất nhiều cách để điều trị bệnh. Nghe tin ở đâu có người chữa được bệnh là chị lại tìm tới nơi để bốc thuốc và chữa trị.

Mới đây, được người quen giới thiệu ở Bình Định có thầy thuốc chữa được bệnh bằng cách nắn làm gãy gai cột sống, chị cũng đi. Tuy nhiên, sau khi điều trị về, lưng chị đau nặng hơn, cả tuần chỉ nằm một chỗ vì vận động là đau.

"Khi tới nhà thầy thuốc, có rất đông bệnh nhân chờ được chữa trị. Vì phải điều trị dài ngày nên đa số bệnh nhân đều ở lại. Sau khi thăm hỏi tình hình, ông thầy bốc thuốc bảo tôi sắc uống, sau đó hằng ngày ông sẽ nắn lưng, nhấn vào chỗ đau để bẻ gai cho bệnh nhân. Không biết có ai được ông bẻ gai thành công chưa, chứ tôi đi về thì người đau ê ẩm, lưng không cựa quậy được" - chị Lý kể lại.

Còn anh Trần Trọng Hùng (trú tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), từ khi mắc bệnh gai cột sống lúc nào cũng có cảm giác khó chịu, đau ở vùng thắt lưng, đau vai rồi đau lan xuống cánh tay, tê chân tay, nhiều khi vận động rất khó khăn. Bản thân anh đã thử điều trị bằng nhiều phương pháp trong đó có đi nắn, bẻ gãy gai cột sống. Tuy nhiên, sau khi tốn rất nhiều tiền cho chi phí đi lại, ăn ở, thuốc men… anh thấy bệnh vẫn không khỏi, thậm chí còn càng ngày càng nặng hơn.

Theo Lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Đắk Lắk: Trong y học hiện đại, nguyên nhân dẫn đến gai cột sống là do cơ thể không đủ lượng canxi để nuôi dưỡng khiến xương vùng cột sống thoái hóa dần, bị cặn vôi bám và phát triển thành gai. Còn theo đông y, gai cột sống thuộc chứng yêu thống và có 5 nguyên nhân hình thành bệnh, điển hình như những người có triệu chứng của phong thấp tý; những người lao tâm, lao lực lâu ngày; người có chức năng thận kém cũng khiến cho việc nuôi dưỡng xương kém đi làm cốt tủy biến dạng… Khi mắc bệnh, cơn đau thường xuất hiện ở cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi bệnh nhân đứng hoặc đi. Trường hợp nặng thì đau tê ở cổ lan qua hai tay, đau ở lưng, đau dọc xuống hai chân, mất kiểm soát hành vi tiểu tiện, đại tiện…

Gai cột sống là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại khó điều trị dứt điểm. Người bệnh cần xác định nguyên tắc điều trị toàn diện và kiên trì. Khi bị gai cột sống, nên dùng thuốc khu phong dưỡng cốt, thuốc bổ thận kết hợp với phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu, tập thể dục thường xuyên, tác động làm cho khí huyết lưu thông. Thực hiện các biện pháp massage, vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung, tập phục hồi chức năng là các biện pháp áp dụng tốt, không có hại.

"Lâu nay có rất nhiều người không được đào tạo ngành y nhưng lại thổi phồng, quảng cáo rằng có thể điều trị bệnh bằng cách bẻ gãy gai cột sống. Đây là điều hết sức nguy hiểm, không chỉ gây hại cho bệnh nhân mà còn để lại nhận thức sai lệch về nền Đông y. Thực tế, họ không biết rằng cơ thể người có rất nhiều bó cơ cột sống nên việc nắn, sờ vào được là điều không tưởng. Việc nắn, bẻ gãy gai là hoàn toàn phi lý, quá trình thực hiện nắn, bẻ gai có thể gây đau cho bệnh nhân, khiến bệnh thêm nặng hoặc để lại những di chứng không đáng có. Đánh vào tâm lý muốn chữa khỏi bệnh của người dân một cách nhanh chóng và dứt điểm, nhiều người tự bày ra phương pháp đó để thu lợi nhuận, còn bệnh nhân thì tiền mất tật mang" - Lương y Võ Thuận Hóa khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục