Cảnh báo tình trạng rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy

Mỹ Hạnh, icon
07:25 ngày 06/11/2019

VTV.vn - Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk ngày càng gia tăng.

Một trường hợp bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk.

Theo thống kê của Khoa Động kinh nghiện chất, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng - Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk, từ thời điểm được thành lập năm 2015, đến nay khoa đã tiếp nhận 300 trường hợp xác định tình trạng nghiện, trong đó điều trị chứng rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy là trên 200 trường hợp.

Đáng chú ý, từ trước năm 2015, một năm bệnh viện chỉ tiếp nhận và điều trị khoảng 2 đến 3 trường hợp bị bệnh này nhưng từ sau năm 2015 trở đi, một năm khoa tiếp nhận từ 30 đến 40 trường hợp. Đơn cử từ đầu năm 2019 đến nay, khoa đã điều trị cho gần 30 trường hợp mắc bệnh. Trong số bệnh nhân đến điều trị có 80% bệnh nhân có độ tuổi từ 15 đến dưới 30 tuổi. thậm chí có cả học sinh, sinh viên. Đa phần bệnh nhân nghiện ma túy từ 2 năm trở lên.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Chương, Khoa Động kinh nghiện chất, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, những người sử dụng ma túy (ma túy đá, cỏ Mỹ, bóng cười, cần sa…) cho rằng đó là những chất không gây nghiện, chỉ gây hưng phấn tức thời, tạo cảm giác sảng khoái, giải trí cho vui vẻ. Nhưng thực chất các loại ma túy nêu trên là một chất gây nghiện cực mạnh ngay ở lần đầu tiên sử dụng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Khi sử dụng, ma túy sẽ tác động đến vùng cảm xúc, đặc biệt là vùng khoái cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đường dẫn truyền Dopamine trong não giữa gây cảm giác hưng phấn, kích thích. Vì có tác động trực tiếp kích thích vào trung tâm Dopamine nên khiến người bệnh bị lệ thuộc và buộc phải sử dụng nó, hình thành tình trạng nghiện.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Chương, với những người sử dụng ma túy trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm sẽ có những rối loạn về tâm thần và hành vi. Tùy vào mức độ sử dụng ma túy mà mỗi bệnh nhân có những rối loạn tâm thần và ảo giác khác nhau, như: rối loạn tư duy (nói năng lung tung, nói nhảm…), rối loạn hành vi (có những hành động nguy hiểm đối với những người xung quanh, như: chửi tục, chém, giết…), rối loạn cảm xúc (cảm xúc không ổn định, lúc cười, lúc khóc…), rối loạn giác quan (nghe thấy tiếng chửi rủa, nghe thấy có người ra lệnh giết người, nhìn thấy ma quỷ, thần thánh, không phân biệt được vị…).

Chính những rối loạn trên, bệnh nhân có những hành vi gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người xung quanh. Có nhiều trường hợp trước khi vào viện, đã lên cơn tâm thần, sử dụng mảnh nhựa, mảnh chai cắt cổ tự tử, lấy dao chặt ngón tay, có trường hợp còn tự rạch bụng mình để cho con gì trong đó chui ra...

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Y.C.B. (24 tuổi, trú tại Ea Kao, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) không thể ngủ được do nghiện ma túy. Tình trạng mất ngủ thường xuyên cộng với việc sử dụng ma túy khiến đầu óc bệnh nhân vô cùng căng thẳng, dễ nổi nóng, dễ bị kích động, hoang tưởng, ảo giác, tự cắt cổ mình để tự tử vì có cảm giác như ai đang ra lệnh. Gần đây nhất bệnh nhân đã cắt bộ phận sinh dục của mình. May mắn những lần tự sát đều được gia đình phát hiện kịp thời, khống chế và đưa vào bệnh viện điều trị.

Hay trường hợp bệnh nhân H.V.C. (26 tuổi, trú tại Ea H’Leo, Đắk Lắk) nghiện ma túy 3 năm nay. Khoảng 1 năm sau khi sử dụng ma túy, bệnh nhân bắt đầu nói nhảm, hay đọc những câu thần chú không có ý nghĩa, có lúc chán nản, đòi tự tử hay cho mình là người có sức ảnh hưởng trong xã hội… Bệnh nhân được chẩn đoán: bị rối loạn tâm thần và hành vi. Cũng vì nghiện ma túy lâu năm, sau khi điều trị ổn định tại bệnh viện, được xuất viện về nhà, bệnh nhân lại tiếp tục sử dụng ma túy và lại tiếp tục nhập viện đến nay đã không dưới 5 lần.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Chương cho biết: bệnh nhân vào viện điều trị và phục hồi khá hiệu quả bằng các phương pháp sử dụng các thuốc an thần kinh, tâm lý, liệu pháp. Thông thường từ sau 3 đến 5 tuần điều trị, các rối loạn tâm thần và hành vi sẽ giảm và hết, bệnh nhân có thể xuất viện. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp điều trị tại bệnh viện có tỷ lệ tái phát bệnh rất cao và nhập viện điều trị liên tục. Nguyên nhân chính là sau khi xuất viện, bệnh nhân thường không được quản lý chặt chẽ, tái nghiện sử dụng ma túy và đặc biệt không tuân thủ phác đồ điều trị của các y, bác sĩ.

Một thực trạng đáng lo ngại là hiện nay là có nhiều thanh, thiếu niên do thiếu sự quan tâm của gia đình, cộng với ảnh hưởng của phim ảnh, mạng xã hội hoặc bị bạn bè lôi kéo đã sa vào các tệ nạn xã hội, trong đó có sử dụng ma túy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục