Cảnh báo viêm da tiếp xúc do côn trùng

Linh Chi, icon
07:00 ngày 12/11/2018

VTV.vn - Khoảng từ tháng 8 đến tháng 11, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân viêm da tiếp xúc do côn trùng đến khám.

Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do côn trùng.

Theo ThS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, viêm da tiếp xúc côn trùng biểu hiện với các thương tổn thành đường hay vệt đỏ, có thể phù nề nhẹ, có mụn nước, mụn mủ, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay chân. Người dân thường nhầm lẫn bệnh này với giời leo (zona).

Bệnh thường do tiếp xúc loài côn trùng tên là paederus có mình dài, kích thước 1,5-20 mm, màu đỏ nâu, hơi giống kiến. Dân gian gọi bằng nhiều tên khác nhau như kiến ba khoang, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít… Chúng tiết ra chất pederin, có độc tính gây bỏng, khi tiếp xúc trên da người gây phản ứng viêm da bóng nước.

Những tình huống làm cho bệnh nhân mắc bệnh:

- Làm việc, ngủ… bị côn trùng rơi vào cổ, mặt hay vùng da hở trên thân mình.

- Vô ý quẹt tay hoặc đập nát côn trùng làm da tiếp xúc với chất pederin có trong côn trùng gây viêm da bóng nước.

- Côn trùng bám vào khăn mặt, mắt kính, quần áo… bệnh nhân không chú ý nên để da bị tiếp xúc với côn trùng.

Lúc đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ da nhẹ. Sau 6 - 12 giờ, vùng da đỏ nhiều, thành vệt hay đường, hơi phù nề, trên đó có thể có mụn nước, mụn mủ. Lúc này, bệnh nhân thường cảm thấy đau, rát, có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch. Nếu thương tổn gần mắt có thể gây sưng cả 2 mắt.

Khi mắc bệnh, nên tránh làm cho thương tổn lây lan sang vùng da khác, không tự điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và xử trí thích hợp.

Tùy mức độ nặng nhẹ của thương tổn, có thể điều trị với các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch màu, gel kháng sinh. Nếu mủ nhiều, đau có thể dùng kháng sinh uống, thuốc giảm đau hoặc cũng có thể dùng corticosteroid bôi hoặc uống. Bệnh thường sẽ ổn sau 5 - 7 ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục