Cảnh giác với dị vật trong ống tiêu hóa trên

Tuấn Bảo, icon
10:37 ngày 23/02/2022

VTV.vn - Khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận điều trị cho ba trường hợp bệnh nhân có dị vật ở dạ dày.

Bã thức ăn được lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nam, 58 tuổi, quê ở Hưng Yên, trong Tết có ăn canh măng, sau đó xuất hiện triệu chứng đau bụng, đầy chướng bụng, nôn, đi khám ở bệnh viện tuyến dưới nghi ngờ tắc ruột. Bệnh nhân đến viện được kiểm tra soi dạ dày phát hiện một khối măng to bịt ngay ở lỗ môn vị.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ, 23 tuổi, trước Tết 10 ngày có triệu chứng đau thượng vị, đi khám ở cơ sở y tế địa phương kiểm tra soi dạ dày thấy có khối dị vật bã thức ăn mềm. Tuy nhiên, bệnh nhân không được sử dụng các phương pháp lấy dị vật ra hoặc điều trị phù hợp, mà về nhà uống tinh bột nghệ.

Sau đó bệnh nhân ngày càng đau bụng hơn. Khi đến khám và nội soi ở bệnh viện thì khối dị vật bã thức ăn đã quánh đặc lại thành khối lớn cứng chắc nằm trong lòng dạ dày, gây tổn thương loét niêm mạc.

Hai trường hợp bệnh nhân này đã được các bác sĩ dùng dụng cụ chuyên biệt để cắt nhỏ dị vật bã thức ăn và gắp ra ngoài, sau đó hướng dẫn bệnh nhân về nhà điều trị uống thuốc và ăn uống đồ mềm dễ tiêu phù hợp.

Trường hợp thứ ba là bệnh nhân nữ, 85 tuổi, đến khám vì khi uống thuốc đã vô tình nuốt cả vỏ thiếc 1 viên thuốc. Khi nội soi thì vỏ thiếc này rất sắc nhọn gá vào thành thực quản 1/3 dưới nhưng may mắn là bệnh nhân đến sớm nên chưa gây tổn thương thủng thực quản. Bệnh nhân đã được lấy dị vật ra ngoài an toàn.

Hàng năm, Khoa Nội soi tiêu hóa gặp khoảng 80 - 100 các trường hợp dị vật trong đường tiêu hóa trên, có thể là các vật dụng như vỏ thuốc, tai nghe, đồng xu, nhẫn, nắp chai, xương, hoặc có thể là dị vật bã thức ăn, nguyên nhân do sự sơ ý của bệnh nhân nuốt phải, hoặc do thói quen ăn không nhai kỹ thức ăn có chất xơ, tanin nhiều (măng, hồng xiêm xanh, hỗn hợp tam thất mật ong bột nghệ thô...).

Với nhóm dị vật là vật dụng, thường các bệnh nhân đến khám ngay sau khi nuốt phải. Nhưng với những trường hợp không rõ nuốt dị vật, hoặc bị dị vật bã thức ăn nhiều ngày tạo thành, bệnh nhân thường có triệu chứng đau thượng vị, đau, đầy bụng, nôn, hoặc biến chứng xuất huyết tiêu hóa đại tiện phân đen, hoặc đau bụng ngoại khoa do tắc ruột.

Do đó, khi nuốt phải dị vật hoặc có những triệu chứng như trên bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị để khám nội soi dạ dày, nếu phát hiện dị vật cần can thiệp ngay lấy dị vật kết hợp điều trị các thuốc cần thiết, tránh gây ra biến chứng. Đặc biệt không nên tự ý điều trị tại nhà, hay điều trị theo mẹo truyền miệng rất nguy hiểm và làm bệnh phức tạp thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục