Chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Thanh Tú, icon
06:00 ngày 21/04/2023

VTV.vn - Để tăng cường kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, ngành Y tế Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống.

Tăng cường truyền thông, giám sát chặt tình hình dịch bệnh

Theo báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 13/4, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 1.249 ca mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong tại huyện Cẩm Mỹ. Những địa phương có số mắc cao là TP. Biên Hòa (355 ca), huyện Long Thành (216 ca), huyện Nhơn Trạch (157 ca), Trảng Bom (137 ca) và một số địa phương khác đang trên đà gia tăng.

Hiện nay, đang bước vào mùa mưa, đây là giai đoạn bùng phát dịch sốt xuất huyết. Để kiểm soát tốt dịch bệnh này, ngành Y tế tăng cường phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức; phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, rà soát các điểm nóng về dịch bệnh sốt xuất huyết, các điểm ổ dịch cũ, điểm có số ca mắc cao, chỉ số côn trùng cao, khi có dấu hiệu bất thường khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai phun hóa chất dập dịch diện rộng, giảm nhanh mật độ véc tơ truyền bệnh.

Tăng cường công tác xử lý ổ dịch, chủ động mở rộng phạm vi xử lý ổ dịch đảm bảo không để ổ dịch lây lan và kéo dài. Chuẩn bị đầy đủ cơ số hóa chất, máy phun, sẵn sàng đáp ứng khi dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng.

Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương chủ động lập kế hoạch triển khai chiến dịch diệt lăng quăng vòng I ngay trong tháng 4/2023 tại các điểm nóng về dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn; giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền trong chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại các điểm nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các vật dụng chứa nước có lăng quăng.

Là đơn vị có số ca mắc sốt xuất huyết cao thứ 2 của tỉnh với 216 ca, huyện Long Thành cũng đã đẩy mạnh nhiều hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như tăng cường công tác truyền thông, chú trọng công tác giám sát, xử lý ổ dịch không để lan rộng.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Long Thành đã đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức như thông qua hệ thống loa đài của các xã, thông qua cộng tác viên. Vận động toàn thể người dân và huy động các lực lượng xã hội tham gia truyền thông và phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tạo ra phong trào quyết liệt, toàn diện trong phạm vi toàn huyện, nhằm giảm nhanh sự lan truyền bệnh sốt xuất huyết, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, duy trì thói quen thường xuyên diệt lăng quăng, bọ gậy ngay tại nơi sinh sống, học tập, lao động, làm việc của người dân.

Bên cạnh đó, huyện đã triển khai mô hình phòng chống sốt xuất huyết thông qua trường học, tuyên truyền cho học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh, qua đó học sinh sẽ tuyên truyền lại với gia đình mình và người thân. Trực tiếp triển khai phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các hộ gia đình ở xã An Phước, phun hóa chất dập dịch ngay khi xảy ra các ổ dịch nhỏ…

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu Hồ Văn Hoài cho biết, tính hết tháng 3 trên địa bàn ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu tập trung ở thị trấn Vĩnh An và xã Thạnh Phú. Trung tâm Y tế phối hợp trạm y tế tiếp tục tăng cường theo dõi, giám sát côn trùng và tình hình dịch để tổ chức chống dịch có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. Đẩy mạnh chiến dịch diệt loăng quăng dự kiến thực hiện vào đầu mùa mưa tháng 5. Huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia thực hiện vệ sinh môi trường, dọn dẹp các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà…

Theo dõi sát tình hình, chủ động tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng, kết hợp diệt lăng quăng nhằm tiêu diệt quần thể muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng.

Cần sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể và người dân

Để công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết thành công, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, đòi hỏi phải có sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân.

Bác sĩ Hồ Văn Hoài cho biết, huyện đã huy động chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, quần chúng nhân dân tại địa phương phối hợp triển khai nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, bệnh sốt xuất huyết nói riêng.

Việc chủ động phòng chống dịch, đặc biệt là phòng chống véc tơ vẫn là chiến lược quan trọng trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiện nay. Tuy nhiên, dựa trên phương châm "Không có muỗi vằn, không có bọ gậy, lăng quăng, không có sốt xuất huyết" thì dù ngành Y tế đã nỗ lực vào cuộc nhưng lực lượng chính góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong phòng chống sốt xuất huyết là công tác huy động ban ngành đoàn thể và người dân cùng tham gia diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức phòng bệnh thì lại chưa phát huy hết vai trò.

Do hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh nên cách tốt nhất để không bị mắc bệnh là người dân cần chủ động dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ; lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết; diệt lăng quăng, diệt muỗi; ngủ mùng, mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục