Chuyên gia chống độc cảnh báo nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông

P.V, icon
03:22 ngày 30/08/2019

VTV.vn - Chiều nay (30/8) Bệnh viện Bạch Mai tổ chức họp báo cung cấp thông tin về nguy cơ ngộ độc do thuỷ ngân đối với sức khoẻ.

Cuộc họp báo diễn ra sau khi có nhiều thông tin thắc mắc, lo ngại về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân từ vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chiều tối ngày 28/8 vừa qua.

Tại buổi họp báo, ThS.Bs Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm đã tiếp nhận hơn chục người đến khám, làm cách xét nghiệm do xuất hiện các triệu chứng như: đau đầu, khó thở, nôn... Trung tâm đã tiến hành khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Dự kiến tối nay sẽ có các kết quả xét nghiệm đối với các trường hợp này.

Chuyên gia chống độc cảnh báo nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông - Ảnh 1.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, những thông tin về việc có xảy ra nhiễm độc hay không, đến thời điểm này vẫn chỉ là phán đoán, chứ chưa có ý kiến chính thức của cơ quan chuyên môn.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ nguy cơ, với một vụ cháy đặc biệt như ở nhà máy Rạng Đông, cần xem xét tới nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Theo các chuyên gia, thuỷ ngân được sử dụng trong sản xuất bóng đèn. Khi xảy cháy, trong môi trường nóng, nhiệt độ cao, thủy ngân sẽ bốc hơi, tiểm ẩn nguy cơ ngộ độc đối với người hít phải.

Nguy cơ ngộ độc phụ thuộc nhiều yếu tố: nồng độ thuỷ ngân, không gian rộng hay hẹp, thời gian tiếp xúc... Bên cạnh đó, nguy cơ này cũng phụ thuộc vào tình trạng hoạt động, tuổi tác của nạn nhân. Nếu hoạt động mạnh sẽ hít nhiều hơn.

Sau khi hít phải thủy ngân vài giờ, nạn nhân sẽ có các biểu hiện: ho, tức ngực, khó thở, tay run, yếu tay, lẫn... Giai đoạn ngộ độc cấp nếu không được điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn bán cấp rồi giai đoạn mãn. Nhiễm độc thủy ngân về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh.

Chuyên gia chống độc cảnh báo nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông - Ảnh 2.

Hiện chưa thể khẳng định chính xác khả năng nhiễm độc thuỷ ngân đối với người dân ở khu vực xảy cháy và xung quanh, tuy nhiên dưới góc độ y tế, theo bác sĩ Nguyên, những người trực tiếp tham gia chữa cháy và có dấu hiệu sức khỏe bất thường nên đi khám, bao gồm: công nhân, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, người dân...

Trường hợp ở xa khu vực này và không hít phải hơi nóng, khói cũng như không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.... thì việc đi kiểm tra là không cần thiết. Cần dựa vào các triệu chứng biểu hiện để quyết định có cần đi khám hay không.

Trường hợp xấu nhất, nếu phát hiện có nhiễm độc thủy ngân, không có cách nào thải được thuỷ ngân ở nhà mà phải đến cơ sở y tế để được dùng thuốc thải độc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục