Cúm A/H7N9 có tỷ lệ tử vong cao hơn Sars

Kim Xuân , icon
07:53 ngày 05/05/2013

 Cúm A/H7N9 có tỷ lệ tử vong cao hơn Sars là thông báo được đưa ra tại buổi họp báo của Bộ Y tế về tình hình dịch cúm A/H7N9; cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1, diễn ra chiều 4/5.

Bệnh nhân tại Trung Quốc nhiễm virus H7N9. (Ảnh: Hà Nội mới)
Tính đến ngày hôm qua (4/5), Trung Quốc đã ghi nhận 127 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 27 trường hợp tử vong tại 10 tỉnh thành phố. Các chuyên gia nhận định cúm A/H7N9 có tỷ lệ tử vong cao lên tới 20%, trong khi bệnh Sars tỷ lệ tử vong là 18%.

Kết quả điều tra ban đầu của WHO cho thấy nguồn lây nhiễm rất có thể từ gia cầm và môi trường bị ô nhiễm virus, tập trung chủ yếu ở các chợ bán gia cầm sống. Đến nay, chưa có đủ bằng chứng kết luận có sự lây truyền dễ dàng từ người sang người, mặc dù đã ghi nhận 3 chùm ca bệnh tại 3 hộ gia đình.

Đại diện Bộ Y tế cho biết: Nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch cúm A/H7N9 vào Việt Nam là rất cao, do đây là chủng virus mới chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm.

Tuy chưa phát hiện các đàn gia cầm ốm, chết do virus cúm A/H7N9 nên khó khăn trong việc kiểm soát nhiễm cúm A/H7N9 trên các đàn gia cầm và thủy cầm. Đặc tính của virus cúm A dễ biến đổi, tính thích nghi cao của chủng virus cúm A/H7N9 ở động vật có vú, do đó nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra.

Liên quan tới việc các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo cúm A/H7N9 có thể trở thành đại dịch, giải thích về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết hiện cộng đồng chưa có miễn dịch và chưa có vắc xin phòng bệnh nên nguy cơ trở thành đại dịch là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện Bộ Y tế đã xây dựng các biện pháp phòng chống dịch cụ thể, phối hợp với các Bộ ban ngành tăng cường giám sát phát hiện tại các cửa khẩu. Các đơn vị điều trị có đủ năng lực để chẩn đoán và điều trị nếu có bệnh nhân cúm A/H7N9.



Cùng chuyên mục