Đắk Lắk: Kiểm tra, giám sát bệnh tay chân miệng tại địa phương có ca tử vong

Mai Lê, icon
07:01 ngày 03/06/2023

VTV.vn - Sau khi ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng, CDC Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ đã kiểm tra, giám sát tình hình dịch tại địa phương này.

Hình minh họa.

Theo báo cáo của CDC Đắk Lắk, tính đến ngày 1/6, toàn tỉnh ghi nhận 78 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó thị xã Buôn Hồ có 5 trường hợp mắc bệnh và 1 trường hợp tử vong.

Theo bà Tô Thị Thanh Minh, Phụ trách khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, ngay sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng trên địa bàn, Trung tâm Y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng bệnh như cấp Chloramin B 2% cho gia đình có trẻ tử vong vì tay chân miệng tiến hành khử khuẩn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tại các trường học cũng như các hộ dân xung quanh về các biện pháp phòng chống bệnh...

Trước tình hình bệnh tay chân miệng có thể tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đoàn giám sát của CDC đã yêu cầu Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ và các trạm y tế trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, giám sát phát hiện để xử lý sớm ổ dịch cũng như kịp thời điều trị bệnh nhân. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh về tận các thôn buôn; tuyên truyền về các biện pháp cách ly, khử khuẩn tránh lây lan, hướng dẫn chăm sóc, điều trị tại nhà và thường xuyên theo dõi nhằm kịp thời phát hiện biến chứng nguy hiểm.

Để tích cực phòng bệnh tay chân miệng, ngành Y tế khuyến cáo các phụ huynh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống hàng ngày: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống hàng ngày phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống hàng ngày như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên sát khuẩn các dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn lan can, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc nước tẩy rửa thông thường và phơi khô. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh...

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục