Dấu hiệu điển hình trẻ mắc tay chân miệng

Ban Khoa giáo, icon
09:15 ngày 01/09/2017

VTV.vn - Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng, loét miệng với vết loét đỏ, phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân, quanh khớp gối, mông.

(Ảnh minh họa: Dân trí)

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây nên. Bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nước phỏng và phân của người nhiễm virus. Tay chân miệng hiện chưa có vaccine để phòng ngừa.

Theo thống kê, dịch bệnh tay chân miệng xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố nhưng nhiều hơn ở các tỉnh phía Nam. Bệnh có xu hướng tăng cao vào 2 thời điểm: từ tháng 3 -5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm.

BSCK II Phạm Thanh Xuân, khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết, tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh và rộng. Vì vậy, nếu trẻ được phát hiện sớm thì cần được cách ly với những người xung quanh.

Dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng ở trẻ:

BSCK I Đào Thị Trân Huyền, khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết, dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng bao gồm:

- Sốt: có thể từ 1 -3 ngày hay 5 - 7 ngày tùy từng diễn biến của bệnh.

- Kèm theo trẻ nổi nốt trong miệng, dễ vỡ và loét, khiến trẻ đau và quấy khóc, kém ăn.

- Nổi nốt ở những vị trí đặc trưng khác như: lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đùi, bẹn hay bộ phận sinh dục ngoài.

Dấu hiệu nặng và biến chứng của tay chân miệng:

- Nếu trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng thì phụ huynh cần theo dõi sát. Khi thấy những dấu hiệu nặng của bệnh, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế. Các dấu hiệu nặng của bệnh bao gồm: Trẻ quấy khóc, sốt cao liên tục, li bì, vật vã, hôn mê; Da xanh tái hay khó thở, thở nhanh; Run cơ...

- Virus gây bệnh tay chân miệng đa phần là lành tính nhưng nó cũng có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và sẽ dẫn đến tử vong nếu như không được điều trị sớm.

Theo các chuyên gia, khi trẻ nhiễm tay chân miệng, không nên bôi các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc lên các mụn nước hay vết lở loét của trẻ. Bởi, có thể trẻ không những bị dị ứng, ngộ độc thuốc khiến bệnh nặng thêm, mà còn khiến công tác chẩn đoán bệnh trạng của bệnh nhân trở nên khó khăn hơn, dễ trở thành dịch...

Trong chương trình Khỏe thật đơn giản dưới đây, BS Phạm Thanh Xuân và BS Đào Thị Trân Huyền đã có những tư vấn rất chi tiết, hữu ích về bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ mà phụ huynh nào cũng nên quan tâm:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục