Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh Whitmore

Mai Lê, icon
06:12 ngày 08/06/2023

VTV.vn - Đây là hoạt động do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ea Súp tổ chức triển khai sau khi ghi nhận ca tử vong vì bệnh Whitmore.

Xung quanh nhà bệnh nhi tử vong vì bệnh Whitmore có nhiều mương nước và vũng nước đọng không đảm bảo vệ sinh.

Ngay khi ghi nhận thông tin về trường hợp bệnh nhi đầu tiên tử vong vì bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã nhanh chóng tổ chức điều tra, phân tích dịch tễ, phân tích nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống bệnh. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore cũng như các bệnh truyền nhiễm khác để người dân trên địa bàn xã Cư Kbang - nơi bệnh nhi tử vong hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Bảy, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, xã Cư Kbang hiện có 14 thôn, hơn 12.000 dân với trên 98% người dân là dân tộc thiểu số H’Mông. Vì chủ yếu là người dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm còn chưa cao. Bên cạnh đó, do đa số người dân không hiểu tiếng Kinh, bất đồng về ngôn ngữ khiến công tác tuyên truyền để thay đổi hành vi của người dân gặp nhiều khó khăn.

"Khi ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh Whitmore trên địa bàn, cán bộ Trạm Y tế phối hợp cùng cộng tác viên tại thôn đã xuống tận nhà dân triển khai các biện pháp phòng bệnh như phun khử khuẩn, vận động người dân dọn dẹp môi trường sống, tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân. Lúc đầu, một số người dân không hiểu, cho rằng con họ mất do số phận, nhưng sau khi được cán bộ y tế tư vấn, tuyên truyền, họ đã hiểu về sự nguy hiểm của bệnh và đã hợp tác thực hiện các biện pháp phòng bệnh", bác sĩ Bảy nói thêm.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk nhận định môi trường sống của người dân tại nơi mắc bệnh Withmore sinh hoạt bằng nguồn nước giếng đào. Xung quanh nhà có các mương nước và nhiều vũng nước đọng gây mất vệ sinh.

Theo bác sĩ Trần Kim Long - Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, qua công tác kiểm tra tại gia đình nơi có trường hợp bệnh nhi tử vong, nguồn nước người dân sử dụng chưa đảm bảo vệ sinh, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống bệnh Whitmore nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung chưa cao. Do đó, để bệnh Whitmore không diễn biến phức tạp, các cán bộ y tế đã lồng ghép hướng dẫn người nhà cách phòng bệnh và khử khuẩn vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở và vệ sinh cá nhân trong quá trình điều tra, giám sát dịch tễ.

Theo số liệu thống kê của CDC tỉnh Đắk Lắk, năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Krông Pắk, Cư Kuin và Ea Súp. Từ đầu năm 2023 đến ngày 6/6, ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh tại huyện Ea Súp và cũng là trường hợp tử vong. Trước diễn biến của bệnh, CDC đã kịp thời chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả bệnh Whitmore, hạn chế thấp nhất tử vong xảy ra.

Theo đó, các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore tại cơ sở y tế và tại cộng đồng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị, nhất là tại địa phương đã có ca bệnh Whitmore.

Đồng thời yêu cầu các địa phương khi phát hiện có ca mắc hoặc nghi mắc bệnh Whitmore phải thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế, đồng thời tổ chức ngay công tác điều tra, phân tích về dịch tễ, phân tích nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore. Các Trung tâm Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Whitmore. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống.

Whitmore là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh thường tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da có vết thương hở khi tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B. pseudomallei. Đến nay, chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch…

Để phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Những người có bệnh mãn tính như: tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục