Điều trị bệnh sốt xuất huyết đúng tuyến bệnh viện để giảm thiểu khả năng lây chéo bệnh

Minh Đức, icon
11:38 ngày 27/07/2017

VTV.vn - Nhiều bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị tại các tuyến viện quận/huyện nhưng tập trung điều trị tại tuyến TƯ, dễ gây nên tình trạng quá tải và lây chéo bệnh

Trong những ngày vừa qua, số ca mắc và tử vong do dịch sốt xuất huyết liên tục gia tăng. Bên cạnh sự thiếu hiểu biết về phòng tránh dịch bệnh của người dân thì những nhận thức không đúng về cách điều trị bệnh cũng góp phần gia tăng số lượng mắc bệnh sốt xuất huyết.

Tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, tính từ đầu năm đến nay đã có 944 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị nội trú, bệnh nhân sinh sống tại Hà Nội chiếm đến 85%. Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ y tế cho biết, theo hồ sơ bệnh án, nhiều bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương được phân tuyến điều trị chỉ cần vào bệnh viện tuyến quận, huyện hoặc bệnh viện tuyến tỉnh, TP. Nhưng thay vào đó, nhiều bệnh nhân lại quyết định vượt tuyến, thay vì điều trị tại tuyến địa phương quận/huyện thì trực tiếp vào viện tuyến Trung ương, gây nên tình trạng tập trung đông bệnh nhân sốt xuất huyết ở cùng một tuyến điều trị.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, việc tập trung nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở cùng một tuyến điều trị vừa có thể gây quá tải, lại có thể làm tăng khả năng lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Trước tình hình này, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đề nghị các bệnh viện tại các tuyến đẩy mạnh công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết thông qua việc tăng cường tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải, không để tình trạng nằm ghép giường diễn ra. Ngoài ra, các bệnh viện thiết lập đường dây nóng hỗ trợ các tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, sẵn sàng hỗ trợ cho các tuyến dưới khi có yêu cầu, hạn chế các trường hợp chuyển tuyến nếu không cần thiết hoặc không an toàn.

Cũng theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, sốt xuất huyết hiện được phân theo 3 mức, gồm sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Theo phân tuyến điều trị, tuyến xã chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp sốt xuất huyết Dengue; tuyến huyện chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp sốt xuất huyết Dengue và sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo. Tuyến tỉnh và tuyến cuối tiếp nhận và điều trị các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo nặng; khi quá khả năng của tuyến tỉnh thì chuyển tuyến cuối, tuyến Trung ương điều trị, hỗ trợ...

Ngoài ra, Cục Quán lý Khám chữa bệnh cũng khuyến cáo, người dân trong vùng có dịch sốt xuất huyết không được tự ý điều trị bệnh tại nhà, khi có dấu hiệu bị bệnh cần đến các cơ sở y tế để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Biến chứng thường gặp là tràn dịch màng phổi, xuất huyết bất thường do rối loạn đông máu, thậm chí là tử vong.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục