Điều trị chàm bằng y học cổ truyền như thế nào?

Linh Chi, icon
08:00 ngày 22/08/2019

VTV.vn - Chàm là một bệnh da mạn tính không lây, liên quan đến các yếu tố di truyền, cơ địa, chất tiếp xúc. Bệnh làm da khô, đỏ và ngứa.

Hình minh họa (Ảnh: verywellhealth.com).

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh chàm có nhiều loại như chàm đồng tiền, chàm tiếp xúc, chàm thể tạng. Bệnh xuất hiện từng đợt, dai dẳng và hay tái phát… Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng phổ biến nhất là trẻ em và thiếu niên. Chàm không nguy hiểm, nhưng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mĩ, gây khó chịu cho người bệnh.

Trong y học cổ truyền, chàm được xếp vào chứng phong chẩn, do ăn uống không điều độ làm tổn thương tỳ, vị, hoặc do sự xâm nhập của phong, thấp, nhiệt tà ở bì phu, hoặc do thấp nhiệt uẩn kết lâu ngày dẫn đến huyết hư, huyết nhiệt mà sinh bệnh.

Điều trị chàm theo YHCT, thầy thuốc sẽ tùy theo nguyên nhân và triệu chứng bệnh mà kê thang thuốc phù hợp.

- Bệnh chàm thể thấp nhiệt: dùng các vị thuốc như long đởm thảo, hoàng cầm, thạch cao… để loại bỏ đi nhiệt độc trong cơ thể, lợi thấp tiêu viêm.

- Bệnh chàm thể huyết hư phong táo: dùng các vị thuốc như bạch tật lê, phòng phong, sinh địa… để trừ phong, sinh tân dịch, nhuận táo.

- Đối với thể tỳ hư thấp thịnh: dùng các vị thuốc kiện tỳ, trừ thấp như bạch truật, trư linh, trạch tả…

- Bên cạnh thuốc uống, thầy thuốc có thể kê toa một số vị thuốc như hoàng bá, bồ công anh, cúc hoa… dùng nấu nước ngâm rửa, giúp mau lành da, hạn chế hình thành sẹo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục