Điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích

P.V, icon
06:59 ngày 27/01/2021

VTV.vn - Lần đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, các bác sĩ Khoa Tim mạch - Nội tiết áp dụng thành công kỹ thuật điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích (sockwaves).

Chiều ngày 27/1, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp tổ chức Hội thảo khoa học "Điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích". Tại buổi hội thảo, các bác sĩ tiến hành điều trị cho 2 bệnh nhân cao tuổi bị thiếu máu cơ tim bằng kỹ thuật mới này.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân P.V.C., 71 tuổi, trú tại Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Bệnh nhân tiền sử tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành đã đặt 4 stent năm 2018.

Khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân thường xuyên đau ngực trái, tần suất 3 - 4 cơn/ngày, cơn kéo dài thường 1 - 2h, chỉ cần gắng sức như đi bộ khoảng 50m đã xuất hiện đau ngực.

Các bác sĩ cho bệnh nhân chụp lại động mạch vành, thấy hẹp lại trên 90% trong stent của động mạch, được can thiệp lại, sau can thiệp dòng chảy qua chỗ hẹp cũ đó rất tốt nhưng triệu chứng không cải thiện nhiều. Mặc dù được điều trị tối ưu các thuốc nhưng tình trạng không cải thiện.

Điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích - Ảnh 1.

Sau đó, bệnh nhân được làm xạ hình tưới máu cơ tim và kết quả vẫn là thiếu máu cơ tim diện rộng, khoảng 23% cơ thất trái. Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng sóng xung kích.

Ngay sau liệu trình đầu tiên, bệnh nhân giảm đau ngay và cải thiện tốt trong các liệu trình tiếp.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.T.C., 68 tuổi, trú tại Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành đã đặt stent 1 năm. Sau can thiệp đặt stent, triệu chứng đau ngực của bệnh nhân giảm nhiều nhưng vẫn còn có những cơn đau ngực ngắn, thường xuyên phải dùng thuốc giãn mạch vành để giảm đau; khả năng gắng sức cải thiện nhưng cũng chỉ đi được 50m là cảm thấy mệt.

Bệnh nhân cũng được điều trị bằng sóng xung kích. Bệnh nhân đã đỡ đau ngực nhiều, không phải dùng thuốc giãn mạch vành để giảm đau, khả năng gắng sức của bệnh nhân cũng cải thiện hơn đáng kể.

Điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích - Ảnh 2.

Theo ThS.BS Tạ Xuân Trường, Trưởng Khoa Tim mạch - Nội tiết, tim cũng như các cơ quan khác, đều có các mạch máu đến nuôi dưỡng, ở tim mạch máu đó gọi mà động mạch vành. Vì một lý do nào đó, mạch máu đó không cung cấp đủ nhu cầu máu cho cơ tim thì được gọi là bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.

Có trên 90% nguyên nhân gây bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ là do xơ vữa động mạch vành cho nên khi nói "bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim" thường được hiểu là bệnh mạch vành do xơ vữa. Mảng xơ vữa ở thành động mạch vành phát triển dần, khi nó đủ lớn, làm hẹp trên 50% lòng mạch sẽ gây các triệu chứng về thiếu máu cơ tim, phổ biến nhất là đau ngực.

"Mảng xơ vữa nếu cứ phát triển khiến lòng động mạch vành hẹp dần, thậm chí tắc dẫn đến vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi ngày càng nặng, gây suy tim và đau ngực ngày càng nhiều. Một hình thái khác là mảng xơ vữa đột ngột nứt vỡ, hình thành cục máu đông gây hẹp nặng hoặc lấp tắc động mạch vành cấp tính. Người bệnh sẽ bị đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim - đây là bệnh cảnh bệnh nhân có thể đột tử" - ThS.BS Tạ Xuân Trường cho hay.

Hiện nay, cơ bản có 3 phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim, gồm điều trị nội khoa (dùng thuốc), can thiệp động mạch vành (nong và đặt stent), mổ làm cầu nối chủ - vành (làm cầu nối bằng đoạn mạch vượt qua chỗ hẹp/ tắc).

Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ lớn bệnh nhân không thể đặt được stent do tổn thương mạch vành phức tạp cũng như không thể phẫu thuật do tuổi cao và có các bệnh lý kèm theo. Hơn thế, một số trường hợp bệnh nhân dù đã được đặt stent hay mổ cầu nối chủ vành vẫn còn thiếu máu cơ tim và đau ngực. Phương pháp sóng xung kích ngoài cơ thể là một phương pháp tối ưu để bổ sung cho các phương pháp điều trị trước đó.

ThS.BS Tạ Xuân Trường cho biết: Sóng xung kích khi tắc động vào vùng cơ tim bị thiếu máu sẽ có 2 tác động có lợi chính. Đầu tiên, làm giãn mạch máu vùng đó, tác động này thường tức thời làm tăng lượng máu đến nuôi cơ tim, giảm nhanh các cơn đau ngực. Tiếp đó, làm phát triển, tăng sinh mạng mạch máu nuôi, dần dần tăng cung cấp máu nuôi vùng cơ tim thiếu máu đó.

Theo các nghiên cứu, các bệnh nhân được điều trị bởi phương pháp này có tới 35% bệnh nhân giảm đau ngực, 34% tăng khả năng gắng sức, 33% tăng tưới máu cơ tim trên các thăm dò chẩn đoán hình ảnh; giảm 30% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng thuốc giảm đau nitrat.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh mạch vành cũng như những biến chứng nguy hiểm, ThS. BS Tạ Xuân Trường khuyến cáo: Người dân nên bỏ hút thuốc lá và tránh khói thuốc lá thụ động. Hạn chế tối đa rượu, bia; tránh xa đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều chiên, rán nhiều dầu mỡ, nhiều muối và nhiều đường. Đồng thời, ăn tăng cường nhiều chất xơ, rau củ quả như ngũ cốc, các loại hạt, các loại đậu, trái cây, rau quả xanh...

Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu bị thừa cân, duy trì chỉ số BMI đạt chuẩn; tập thể dục, dành thời gian đi bộ, hoạt động thể chất các bài tập phù hợp với tình trạng bệnh lý mạch vành và xây dựng lối sống tư duy tích cực, vui vẻ, thanh thản, tránh làm việc nặng, căng thẳng quá mức, kéo dài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục