Cẩn trọng cơn đau ngực cấp tính báo động bệnh mạch vành nguy hiểm

P.V, icon
08:00 ngày 12/01/2020

VTV.vn - Trong bệnh động mạch vành thì bệnh động mạch vành do xơ vữa là chủ yếu. Bệnh gây thiếu máu nuôi cơ tim, gây nên các cơn đau ngực, suy tim, thậm chí tử vong.

Hình minh họa.

ThS.BS Tạ Xuân Trường, Trưởng Khoa Nội tiết - Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết: Khoa vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân P.T.C. (69 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) vào viện vì cơn đau ngực cấp tính.

Bệnh nhân đã được chụp động mạch vành phát hiện thủ phạm gây đau ngực là do tổn thương xơ vữa gây hẹp 90 - 95% đoạn giữa của động mạch liên thất trước. Sau đó, bệnh nhân đã được đặt thành công một stent, lấy lại dòng chảy thông thoáng cho động mạch vành.

Theo ThS.BS Tạ XuânTrường, ngày nay, bệnh mạch vành đã trở thành bệnh lý phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ngoài yếu tố nguy cơ do tuổi cao, việc hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, lười vận động thể lực, căng thẳng tâm lý, ăn ít rau củ, yếu tố gia đình… cũng là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh động mạch vành.

Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ dựa vào tính chất đau ngực của bệnh nhân, xét nghiệm, điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp cắt lớp đa dãy động mạch vành và đặc biệt tiêu chuẩn vàng là chụp động mạch vành chọn lọc qua da. Để điều trị bệnh mạch vành, tùy tính chất (cấp hay mạn tính) và mức độ của tổn thương động mạch vành mà có thể chỉ cần điều trị nội khoa (dùng thuốc), can thiệp nong và đặt stent động mạch vành hay mổ làm cầu nối chủ - vành qua chỗ hẹp.

Chụp và can thiệp (nong và đặt stent) động mạch vành qua da là phương pháp được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chính xác có bệnh động mạch vành hay không và tổn thương động mạch vành đó là nặng hay nhẹ, phức tạp hay đơn giản để có phương án tối ưu cho việc điều trị.

"Với những trường hợp tổn thương động mạch vành nặng, có chỉ định tái thông thì can thiệp nong và đặt stent động mạch vành là một phương pháp được coi là an toàn và hiệu quả. Bệnh nhân sẽ được luồn dụng cụ đến vị trí động mạch vành bị tổn thương để xử lý qua một vết chọc mạch nhỏ tại động mạch quay ở cổ tay hoặc động mạch đùi ở vùng bẹn và chỉ cần gây tê tại chỗ chọc mạch" - ThS.BS Tạ Xuân Trường cho hay.

Với can thiệp này, bệnh nhân sẽ không phải chịu một cuộc gây mê cũng như phẫu thuật cưa xương ức và làm cầu nối mạch vành như phương pháp mổ mở truyền thống. Bệnh nhân cũng nhanh chóng phục hồi và ra viện sớm hơn nhiều (có thể ra viện ngay trong ngày) so với phương pháp mổ truyền thống.

Trung bình một ca chụp động mạch vành diễn ra trong khoảng 10 -15 phút, một ca can thiệp nong và đặt stent động mạch vành diễn ra trong khoảng 30 - 60 phút hoặc lâu hơn, tùy thuộc mức độ phức tạp của tổn thương.

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, ThS.BS Tạ Xuân Trường khuyến cáo: Người dân nên ngừng hút thuốc, tăng cường vận động thể lực, giảm cân, tránh béo phì, ăn uống khoa học với nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế đồ ăn nhanh. Ngoài ra, cần kiểm soát tốt các bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá, tiểu đường… để giảm nguy cơ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục