Điều trị xẹp đốt sống bằng "bơm xi măng qua bóng"

Nguyệt Ánh, icon
07:00 ngày 22/05/2013

Tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học qua bóng là thành tựu nổi bật trong y học của nước ta, giúp mở ra cơ hội điều trị tốt hơn cho người bị xẹp cột sống, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi.

Với người bị xẹp cột sống, việc điều trị cột sống là nhằm tái tạo lại hình dạng cột sống như ban đầu. Phương pháp bơm xi măng sinh học qua bóng là kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả, tuy nhiên không phải đối tượng nào cũng áp dụng được.

Cụ thể trường hợp được chỉ định phẫu thuật là những người bị gãy, lún đốt sống do loãng xương, chấn thương không có chèn ép tủy, các dạng gãy hoặc hủy xương của các đốt sống.

Cũng phương pháp này, trước đây không sử dụng bóng, các đốt sống bị xẹp chưa trở lại hình dáng ban đầu ngay do áp lực bơm chưa đủ. Nếu áp lực bơm quá mạnh có thể làm xi măng tràn ra gây biến chứng, do đó khó thực hiện. Với phương pháp dùng bóng đã thể hiện ưu điểm hơn hẳn với việc bệnh nhân chỉ cần gây tê, nên phù hợp với thể trạng của người cao tuổi.

‘ Bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp ứng dụng robot định vị trong phẫu thuật cột sống tại bệnh viện Việt Đức.(Ảnh: Công an nhân dân)

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Việt Đức cho biết: “Ưu điểm lớn nhất của phương pháp điều trị xẹp đốt sống bằng bơm xi măng qua bóng là tạo hình được thân đốt sống. Nếu phương pháp bình thường, các bơm xi măng chỉ vào các thớ, các bẹ xương, thì bơm xi măng bằng bóng đưa quả bóng vào thân đốt sống và ép quả bóng căng lên sẽ trả lại chiều cao của thân đốt sống. Phương pháp này khiến bệnh nhân không có u đốt sống sau này. Sau điều trị, bệnh nhân sẽ có dáng đứng thẳng, được trả lại chiều cao của thân đốt sống”.

Đốt sống sau phẫu thuật trở lại hình dáng ban đầu sẽ trở nên bền vững, tránh được nguy cơ gù, trượt đốt sống về sau, đồng thời giảm đau cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bác sĩ phải giám sát, hướng dẫn người bệnh tỉ mỉ về các phương pháp tập luyện cũng như lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Người bệnh phải tập rất từ từ, phải tập ngồi, tập đứng và tập đi. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần một phương tiện hỗ trợ là áo nẹp chỉnh, mỗi khi đứng, ngồi hay đi bệnh nhân đều phải đeo áo. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân về các phương pháp tập luyện, ngày đầu ngồi 30 phút, ngày thứ hai và ba trở đi sẽ ngồi với trọng lực tăng dần. Phải mất từ 1 – 3 tháng sau bệnh nhân mới có thể trở lại được bình thường”.


Cùng chuyên mục