Dính thắng lưỡi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm?

Linh Chi, icon
07:00 ngày 24/02/2020

VTV.vn - Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh mức độ nhẹ, nguyên nhân do dây thắng lưỡi ngắn làm hạn chế cử động của lưỡi. Dị tật làm ảnh hưởng tới khoảng 5% tổng số trẻ sơ sinh.

Theo bác sĩ Lê Thị Hạnh, Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Sản nhi Lào Cai, nếu không được phát hiện, trẻ bị dính thắng lưỡi sẽ có những biểu hiện tùy theo mức độ nặng nhẹ của dị tật cũng như tuổi của trẻ. Ở trẻ bú mẹ, bà mẹ thường than phiền con bú rất mạnh, đau rát núm vú thậm chí làm mẹ bị nứt cổ gà nhưng bú không hiệu quả, con đói, quấy khóc, chậm tăng cân.

Ở trẻ lớn hơn có thể có biểu hiện phát âm khó khăn, nói ngọng. Các biểu hiện có thể có như: thắng lưỡi ngắn, cử động lưỡi bị hạn chế; Đầu lưỡi không thè ra ngoài môi được; Đầu lưỡi không thể đụng nóc vòm họng; Điển hình của dính thắng lưỡi thường gặp là khi trẻ khóc, đầu lưỡi trẻ hình trái tim do cử động ra phía trước và ra sau của lưỡi bị giới hạn; Đầu lưỡi khi thè lưỡi thay vì thấy nhọn thì có vẻ phẳng hay vuông; Các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng hoặc giữa hai răng cửa hàm dưới bị hở; Trẻ bú khó và phát âm cũng khó khăn.

Phân loại mức độ dính thắng lưỡi

Phân loại mức độ dính thắng lưỡi dựa theo chiều dài thắng lưỡi đo được từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi:

- Mức độ 1: dính thắng lưỡi nhẹ từ 12-16 mm.

- Mức độ 2: dính thắng lưỡi trung bình từ 8-11 mm.

- Mức độ 3: dính thắng lưỡi nặng từ 3-7 mm.

- Mức độ 4: dính thắng lưỡi hoàn toàn dưới 3 mm.

Khi cha mẹ phát hiện con có những biểu hiện trên cần cho trẻ đến khám và tư vấn tại các cơ sở có chuyên khoa răng hàm mặt và chuyên khoa nhi. Tùy theo mức độ ảnh hưởng của dị tật mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ có tư vấn cụ thể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục