Đông noãn - đông tinh: Xu hướng lựa chọn mới

Linh Chi, icon
11:59 ngày 17/02/2021

VTV.vn - Nhu cầu trữ đông tinh trùng, trữ đông trứng dần trở nên cấp thiết và là xu hướng lựa chọn của nhiều người, giúp họ bảo tồn và nhân lên cơ hội được làm cha, làm mẹ.

Trữ đông tinh trùng

Bảo quản lạnh tinh trùng là kỹ thuật mà trong đó mẫu tinh trùng được lưu trữ ở nhiệt độ rất thấp, thường ở -196 độ C. Tại nhiệt độ này, các hoạt động chuyển hóa của tế bào sẽ bị ngưng trệ hoàn toàn. Bảo quản lạnh được coi là thành công nếu tinh trùng trở lại hoạt động sống bình thường, không bị tổn hại về mặt cấu trúc và chức năng khi trở lại nhiệt độ 37 độ C.

Các kỹ thuật bảo quản lạnh tinh trùng được đưa vào áp dụng tại Việt Nam lần đầu năm 1995 tại Bệnh viện Từ Dũ, sau đó được triển khai mở rộng tại khắp các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đông lạnh tinh trùng bắt đầu được thực hiện từ năm 2015. Cho tới nay, kỹ thuật này đã trở thành một trong những quy trình được thực hiện thường quy của trung tâm.

Cơ sở khoa học của bảo quản lạnh tinh trùng

Nguyên tắc của phương pháp bảo quản lạnh là làm giảm nhiệt độ môi trường chứa mẫu tế bào hay mô xuống nhiệt độ rất thấp, thường là -196 độ C. Tại nhiệt độ này, môi trường nước trong và ngoài tế bào đều biến thành thể rắn, hầu hết các hoạt động sinh học bên trong tế bào bao gồm các phản ứng sinh hóa và trao đổi chất đều bị ngừng lại tạm thời. Nhờ đó, tế bào sống ở giai đoạn tiềm sinh và có thể bảo quản trong thời gian dài.

Tế bào tinh trùng có ưu thế cao để lựa chọn bảo quản lạnh do có kích thước nhỏ, lượng nước trong tế bào chiếm 50%, màng tế bào có độ linh động cao với nhiều acid béo không no nên có khả năng sống sót cao sau giảm nhiệt độ đột ngột. Ngoài ra số lượng tinh trùng trong một mẫu tinh dịch rất lớn nên số lượng tinh trùng còn sống sót sau bảo quản cũng cao đủ đáp ứng với yêu cầu của các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản khác.

Chỉ định bảo quản lạnh tinh trùng

Xã hội phát triển, nhu cầu bảo quản lạnh tinh trùng ngày càng trở nên cấp thiết. Các mẫu tinh trùng cần được chỉ định bảo quản lạnh trong những trường hợp sau:

- Các mẫu tinh trùng hiến nhằm mục đích nghiên cứu hay nhân đạo (hiến cho các cặp vợ chồng mong muốn có con mà người chồng không có tinh trùng hay các trường hợp bà mẹ đơn thân). Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản cũng đã thành lập được Ngân hàng tinh trùng với các mẫu hiến có nguồn gốc sinh viên.

- Các trường hợp cần lưu trữ mẫu tinh trùng trước khi điều trị ung thư, các bệnh lý tự miễn hay các bệnh nan y khác.

- Đông lạnh tinh trùng cũng là giải pháp cứu cánh cho những đối tượng nam giới đã và đang có nguy cơ suy giảm chất lượng tinh dịch như nam giới sau viêm tinh hoàn do quai bị, giãn tĩnh mạch tinh, đối tượng thường xuyên phải tiếp xúc với yếu tố độc hại do nghề nghiệp như tia xạ, hóa chất.

- Đối với những người đàn ông muốn triệt sản hoặc phẫu thuật chuyển giới có thể đông lạnh tinh trùng nếu vẫn muốn có con sau này.

- Các trường hợp tinh trùng trích xuất từ các kĩ thuật chọc hút mào tinh qua da (PESA), sinh thiết tinh hoàn (TESE)... bảo quản lạnh tinh trùng giúp lưu trữ mẫu tinh trùng còn dư sau thủ thuật, hạn chế bệnh nhân phải thực hiện thủ thuật nhiều lần.

- Đối với những bệnh nhân có vấn đề trong việc lấy mẫu tinh trùng do quá căng thẳng không thể lấy được mẫu hay có việc bận không thể lấy mẫu tinh trùng trong ngày làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hay thụ tinh nhân tạo (IUI) đông lạnh tinh trùng là một biện pháp dự phòng.

- Bảo quản lạnh tinh trùng góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm ở các bệnh nhân bị bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Các phương pháp bảo quản lạnh tinh trùng

- Phương pháp đông lạnh chậm: là phương pháp trữ lạnh có kiểm soát tốc độ làm lạnh. Với phương pháp này, mẫu tinh dịch được thêm vào chất bảo quản lạnh (CPA), đặt cân bằng ở nhiệt độ phòng trong vài phút. Sau đó, hỗn hợp tinh dịch và chất bảo quản lạnh được nạp vào các cryotyp và tiến hành quá trình hạ nhiệt độ bằng máy Nicool LM10.

- Phương pháp thủy tinh hóa: là phương pháp trữ lạnh không cân bằng được thiết lập dựa trên nguyên lý cơ bản là không có sự hình thành tinh thể đá bên trong và ngoài tế bào. Quá trình này đòi hỏi tốc độ làm lạnh cực nhanh, có thể lên đến hàng chục nghìn độ/phút.

Các giai đoạn của một chu kỳ bảo quản lạnh tinh trùng

Một chu kì bảo quản lạnh tinh trùng thường trải qua ba giai đoạn quan trọng:

- Đưa tế bào từ nhiệt độ sinh lý (37 độ C) xuống nhiệt độ rất thấp -196 độ C (làm lạnh).

- Lưu trữ mẫu trong ni-tơ lỏng.

- Đưa tế bào từ nhiệt độ thấp của ni-tơ lỏng trở về nhiệt độ sinh lý khi cần để tế bào tiếp tục phát triển (rã đông).

Mục tiêu của bảo quản lạnh tinh trùng

Theo Hiệp hội Ngân hàng mô Hoa Kỳ, mục tiêu là sau bảo quản lạnh, tỷ lệ tinh trùng di động phải đạt trên 50% so với trước bảo quản.

Một số yếu tố liên quan đến sự thành công của đông lạnh tinh trùng

- Chất lượng tinh trùng trước khi đông: Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, những mẫu tinh trùng có chất lượng bình thường (theo tiêu chuẩn WHO 2010) có tỷ lệ tinh trùng sống sau đông cao hơn so với những mẫu tinh trùng có chất lượng bất thường.

- Chất bảo vệ lạnh và nồng độ chất bảo vệ lạnh: Sử dụng chất bảo vệ lạnh không phù hợp hoặc không đúng nồng độ có thể gây độc và gây chết tinh trùng.

- Nhiệt độ đông lạnh và giã đông.

Thời gian bảo quản tinh trùng đông lạnh

Ở nhiệt độ -196 độ C, mọi hoạt động sinh hóa trong tế bào bị ngừng trệ. Vì vậy, theo lý thuyết, mẫu tinh trùng có thể bảo quản trong ni-tơ lỏng hàng thập kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ. Có những báo cáo cho thấy đã có trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được trữ lạnh 21 năm và trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được 28 năm. Một số phân tích gộp cho thấy trẻ sinh ra từ tinh trùng đông lạnh có những đặc điểm về chiều cao, cân nặng, dị tật bẩm sinh, khả năng về ngôn ngữ... khác biệt không có ý nghĩa thống kê với nhóm trẻ thụ thai tự nhiên. Hiện tại, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, vẫn chưa có khuyến cáo về thời gian tối đa cho bảo quản lạnh tinh trùng.

Trữ đông trứng

Phương pháp trữ đông trứng mở ra nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, cùng với đó là bảo đảm cơ hội có con cho những phụ nữ đang tập trung cho sự nghiệp, những người mắc bệnh liên quan đến sinh sản, bệnh nội tiết, bệnh hiểm nghèo… hoặc chỉ đơn giản là chưa tìm được một nửa phù hợp.

Phương pháp trữ đông trứng mở ra nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, cùng với đó là bảo đảm cơ hội có con cho những phụ nữ đang tập trung cho sự nghiệp, những người mắc bệnh liên quan đến sinh sản, bệnh nội tiết, bệnh hiểm nghèo… hoặc chỉ đơn giản là chưa tìm được một nửa phù hợp.

Trên thế giới, trữ đông trứng đang là xu thế lựa chọn của phụ nữ tiến bộ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. "Đông lạnh trứng và thăng tiến trong sự nghiệp" là tiêu đề của tuần san kinh tế Bloomberg năm 2014. Cùng năm đó, Facebook và Apple - những cái tên chuyên thiết lập xu hướng, bắt đầu giới thiệu các chính sách đông lạnh trứng cho nhân viên. Dịch vụ này bắt đầu bùng nổ và hiện là một trong những lựa chọn hàng đầu cho những phụ nữ muốn đảm bảo khả năng làm mẹ. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Vương quốc Anh, trong năm 2016 đã có 1.173 chu trình đông lạnh trứng được triển khai, tăng hơn nhiều so với con số vài chục của 10 năm trước.

Tại Việt Nam, phương pháp đông lạnh trứng ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Trung tâm HTSS và CNMG đã tiếp nhận và tư vấn cho nhiều cặp vợ chồng còn trẻ, một số phụ nữ chưa có gia đình… muốn tìm hiểu về dịch vụ gửi trứng để sau này mang thai.

Điều kiện tuổi tác và phương pháp lưu trữ trứng

Theo PGS.TS Nguyễn Khang Sơn - Trưởng Lab IVF thuộc Trung tâm, độ tuổi sinh sản tốt nhất của phụ nữ là từ 20 - 30. Sau tuổi đó, buồng trứng bắt đầu suy giảm cả về chất lượng và số lượng. Đặc biệt, sau 40 tuổi, khả năng sinh sản của chị em giảm nhanh, việc có con rất khó khăn. Ngoài ra, phụ nữ càng cao tuổi thì bất thường về di truyền của trứng sẽ tăng lên, nếu mang thai sẽ dẫn đến tỷ lệ bất thường của thai nhi tăng lên.

Những người không may bị mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản (ung thư, bệnh lý miễn dịch…) hoặc làm việc trong môi trường độc hại tiếp xúc với hóa chất thì nên bảo quản trứng để bảo tồn khả năng làm mẹ.

Các chuyên gia hỗ trợ sinh sản cho biết, kỹ thuật đông lạnh trứng được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng tỷ lệ trứng thoái hóa sau đông lạnh vẫn cao. Đây là trở ngại lớn nhất cho việc áp dụng phương pháp đông trứng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Một điều gây khó khăn cho đông trứng là kích thước trứng. Trứng là tế bào lớn nhất trong cơ thể và cũng như các tế bào khác, trứng chứa rất nhiều nước. Do đó, khi đông trứng, việc hình thành các tinh thể đá nội bào sẽ phá hủy cấu trúc của tế bào trứng.

Phương pháp đông lạnh thủy tinh hóa vitrification (nhanh hơn phương pháp đông phôi/trứng cổ điển khoảng 600 lần) được áp dụng cho đông trứng sẽ ngăn hình thành các tinh thể đá này, giảm tỷ lệ trứng thoái hóa sau rã đông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục