Trong một lần đi rẫy, chị Trần Thu Huyền (20 tuổi, trú tại Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị nhiễm lạnh do trời mưa. Ngay sáng hôm sau, khi thức dậy chị có cảm giác miệng không thể ngậm nước, nhìn vào gương chị phát hiện miệng bị méo một bên.
Sau khi đến khám tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán: bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên và được tư vấn, hướng dẫn đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk để điều trị. Tuy nhiên, thay vì đến bệnh viện, chị Huyền lại điều trị tại nhà bằng việc đắp cây thuốc nam theo hướng dẫn của một lang y.
"Đắp lá thuốc nam được 7 tháng, tình trạng bệnh của tôi không khỏi mà ngay vị trí đắp còn bị lở loét. Sau đó, tôi đến chuyên khoa y học cổ truyền chữa trị. Tuy nhiên, do để bệnh quá lâu nên dù được các bác sĩ đã áp dụng rất nhiều phương pháp từ châm cứu, bấm huyệt, điếu châm nhưng tình trạng bệnh hiện vẫn chưa được cải thiện. Miệng vẫn bị méo, cơ mặt cứng đơ" - chị Huyền ngậm ngùi chia sẻ.
Theo bác sĩ Tạ Văn Nhạn, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, liệt mặt, méo miệng thường xảy ra đột ngột, người bệnh sau một đêm ngủ dậy đột nhiên miệng bị méo sang một bên, cơ mặt một bên không vận động được. Biểu hiện này rõ nhất khi người bệnh cười, nói, mặt mất cân xứng, bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, Bên cạnh đó, khi đánh răng, ăn cơm thì nước và thức ăn trào ra ngoài, khi ngủ mắt bên liệt nhắm không kín do liệt cơ khép vòng mi và nhãn cầu bị đẩy lên trên để lộ một phần lòng trắng. Ở một số trường hợp, người bệnh có cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt…
Cũng theo bác sĩ Nhạn, bệnh này tuy không đe dọa mạng sống của bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Bệnh khiến bệnh nhân nhai khó bên liệt, ăn uống bị rơi vãi. Đặc biệt ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của khuôn mặt.
Liệt mặt, méo miệng sẽ khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm, ngay trong tuần đầu tiên hoặc có thể từ 1 đến 3 tháng đầu sau khi mắc bệnh. Còn những bệnh nhân đến bệnh viện điều trị muộn hơn, từ 3 tháng trở lên, việc điều trị các cơ vùng mặt khó hồi phục, cũng có thể chỉ đỡ được một phần, vẫn để lại di chứng về vận động như miệng vẫn méo mỗi khi cười nói, khiến bệnh nhân đặc biệt là bệnh nhân nữ trẻ tuổi ngày càng tự ti về gương mặt của mình.
Có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt: bị chấn thương sau tai nạn (tổn thương não, vết thương hàm mặt, đứt dây thần kinh…), sau bệnh lý (khối u), nhiễm khuẩn, nhiễm virus, bệnh ở não, nhiễm lạnh. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, đặc biệt là thời tiết giao mùa, nhất là mùa lạnh sẽ khiến nhiều người mắc bệnh hơn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng những người thường xuyên thức khuya khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần sa sút, thần kinh bị căng thẳng, sức đề kháng giảm dễ nhiễm lạnh. Ngoài ra, người có thể trạng yếu, ít tập luyện, có tiền sử hạ đường huyết, tăng huyết áp, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, cảm cúm, suy giảm miễn dịch… cũng rất dễ bị méo miệng, liệt mặt.
Qua đây, bác sĩ Nhạn khuyến cáo: để phòng tránh méo miệng, liệt mặt, mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên. Ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp. Vào mùa nắng nóng, sử dụng quạt, máy lạnh nhưng không trực tiếp để luồng khí lạnh vào người, nhất là sau gáy. Không nên tắm quá khuya.
Đối với những đối tượng có nguy cơ cao (những người tuổi già hay người có thể trạng ốm yếu) sáng sớm khi mới thức dậy, nằm trên giường vài phút cho tỉnh táo, sau đó mặc ấm rồi mới ra ngoài môi trường lạnh. Nếu mắc bệnh, cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc. Người bệnh có thể xoa bóp, mát xa mặt, dùng khăn nhúng nước ấm rồi chườm ấm vào bên mặt bị liệt xoa từ trong ra ngoài giúp kích thích dây thần kinh. Khi có dấu hiệu: một bên mặt hơi cứng khác thường, soi gương thấy một bên bị sệ xuống, miệng méo, mắt bên bệnh không nhắm kín và có nước mắt chảy ra thì nên đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị sớm. Tuyệt đối không tự ý chữa bệnh, không cạo gió, không đắp bất cứ thứ gì lên mặt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
VTV.vn - Ngộ độc thuốc gây tê khi nhổ răng là một biến chứng hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa phẫu thuật thành công lấy sỏi bàng quang to như quả trứng gà trên nền bệnh sỏi thận hai bên và sỏi niệu quản trái cho bệnh nhân.
VTV.vn - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) vừa phẫu thuật trong đêm cứu sống bệnh nhi ngay sau khi chào đời tại Khoa Sản – Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) vừa tiếp nhận và điều trị thành công một ca bệnh được chẩn đoán huyết khối gây thuyên tắc phổi.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long vừa tiếp nhận cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân nam 31 tuổi, bị sốc phản vệ - ngưng tim do ong đốt.
VTV.vn - Gia đình phát hiện bé gái 15 tháng tuổi trong tình trạng bị méo miệng, mắt không nhắm kín.
VTV.vn - Tính đến tuần 46, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 12.013 ca mắc sốt xuất huyết và là tỉnh, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực phía Nam (chiếm 25%).
VTV.vn - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương qua xét nghiệm đã xác định mẫu bệnh phẩm một trường hợp tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng dương tính với bệnh bạch hầu.
VTV.vn - Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân 62 tuổi, trong tình trạng suy thận cấp, rối loạn nhịp tim rung nhĩ, đường huyết tăng cao không kiểm soát...
VTV.vn - Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vừa kịp thời xử trí, cứu sống một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê.
VTV.vn - Tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại.
VTV.vn - Sáng nay 22/11, tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa), Tàu 414 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiến hành bàn giao ngư dân bị bệnh trên tàu cá cho gia đình và chính quyền địa phương.
VTV.vn - Mới đây, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân đái tháo đường nhập viện trong tình trạng viêm tụy cấp do rượu.
VTV.vn - Tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi là biện pháp tăng cường giúp bảo vệ trẻ khi dịch sởi đang gia tăng trong nhóm tuổi này.
VTV.vn - Trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 6 trường hợp bệnh nhân chấn thương nặng do sử dụng pháo, mìn tự chế.