Ghép xương hàm, xương ổ răng điều trị dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng

Tuấn Bảo, icon
07:45 ngày 31/07/2019

VTV.vn - Trung bình ở nước ta, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 1 - 2 trẻ có khuyết tật khe hở môi, vòm miệng hay còn gọi là sứt môi, hở hàm ếch.

Khe hở môi, vòm miệng là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Trẻ sinh ra bị khe hở môi vòm miệng ngoài việc ảnh hưởng đến chức năng còn ảnh hưởng nặng nề và lâu dài về mặt thẫm mỹ cũng như sự phát triển tâm lý của trẻ. Trẻ thường có tâm lý tự ti, kém hòa nhập cộng đồng vì nói ngọng, vì những biến dạng hàm mặt do dị tật gây nên.

Tại Việt Nam, vấn đề điều trị khe hở môi, vòm miệng trước đây thường chỉ giới hạn ở việc phẫu thuật tạo hình lại khe hở bằng tổ chức phần mềm. Tuy nhiên, những khuyết hổng về xương tại vị trí khe hở chưa được quan tâm nhiều. Vì vậy, sau phẫu thuật trẻ vẫn bị biến dạng khuyết xương hàm trên, khuyết xương ổ răng ảnh hưởng nhiều đến việc mọc răng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của y học nói chung và chuyên ngành răng - hàm mặt nói riêng, đặc biệt sự phát triển của kỹ thuật ghép xương và chỉnh nha đã giải quyết tương đối triệt để vấn đề khuyết hổng xương và là tiền đề cho việc chỉnh nha cho bệnh nhân về sau. Bệnh nhân được ghép xương hàm trên, xương ổ răng bằng xương tự thân lấy từ xương cánh chậu.

6 tháng đầu năm 2019, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã triển khai thành công kỹ thuật ghép xương hàm, xương ổ răng cho bệnh nhân dị tật khe hở môi, vòm miệng có khuyết xương mang lại thẩm mỹ, nụ cười và sự tái hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân.

Cũng như bất cứ khuyết tật nào khác, trẻ có khe hở môi - vòm miệng được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Việc phẫu thuật tốt không chỉ giúp trẻ phục hồi các chức năng bú mẹ, ăn uống, phát âm tốt hơn, mà còn giúp cho gia đình và chính bản thân trẻ xóa bỏ tâm lý e ngại, mặc cảm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục