Giữ sức khỏe người cao tuổi khi trời lạnh

Bác sĩ Trần Quốc, icon
11:15 ngày 24/01/2013

 Vào thời điểm khí hậu lạnh buốt ở miền Bắc như hiện nay cần có những biện pháp tích cực nhằm giữ sức khoẻ và đề phòng tai biến rất dễ xảy ra ở người cao tuổi.

Giữ ấm cơ thể

Theo thống kê của Viện Lão khoa, Bệnh viện Bạch Mai… trong những ngày gần đây, lượng bệnh nhân phải nhập viện do đột quỵ hay mắc những bệnh nguy hiểm liên quan đến tim mạch, hô hấp tăng 25 - 30%. Nhiệt độ lạnh sâu và kéo dài rất bất lợi cho sức khoẻ đối với người lớn tuổi, do những mô mỡ cung cấp nhiệt trong cơ thể không còn nhiều. Chính vì vậy, những biến pháp giữ ấm là rất cần thiết. Trong những ngày lạnh, một số người già thường bôi dầu gió khắp người vì cho rằng làm vậy sẽ ấm hơn. Nhưng điều này là không đúng, đó chỉ là cảm giác nóng giả tạo tức thời chứ không đem lại nhiệt.

‘ Khi người cao tuổi có các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, rối loạn ngôn ngữ... cần nhanh chóng đưa tới bệnh viện để được điều trị kịp thời. Ảnh: Bá Hoạt

Tuyệt đối không dùng lò than để sưởi. Nếu có điều kiện có thể dùng túi chườm để dưới chân, ủ tay hoặc để cạnh người để tăng độ ấm. Tuy nhiên, cần lưu ý đến nhiệt độ thích hợp, tránh bị bỏng. Bên cạnh đó, trước khi đi ngủ, người già nên ngâm chân bằng nước ấm pha chút muối hoặc gừng. Đây là biện pháp rất hữu hiệu để tạo giấc ngủ ngon và sâu hơn.

Hạn chế ra ngoài

Trời lạnh, người cao tuổi cần hạn chế đến mức tối đa việc ra ngoài, nhằm tránh những tai biến đột ngột có thể xảy ra. Trong trường hợp cần thiết, gia đình nên bố trí để người già di chuyển bằng những những phương tiện kín gió như ô tô, tàu hoả.

Ngoài việc lưu ý đến quần, áo, khăn quàng đủ ấm, cần tránh để người già bước ra ngoài đột ngột từ trong nhà ra ngoài, hoặc trên tàu, xe bước xuống bởi nhiệt độ bên trong và ngoài quá chênh lệch có thể sẽ gây ra hiện tượng co mạch máu não, gây tai biến. Bên cạnh đó, cần động viên người già tăng cường sử dụng thực phẩm, đồ uống tăng cường nhiệt như thịt, cháo bổ dưỡng, trà gừng…

Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường

Dù đã cẩn thận đề phòng nhưng tai biến ở người cao tuổi vẫn có thể xảy ra. Trong những trường hợp thấy người cao tuổi có biểu hiện như: Nhức đầu, chóng mặt (cảm giác quay), hiện tượng quên hoặc rối loạn cảm xúc (buồn giận thất thường...), rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, cấm khẩu, méo mồm hoặc nặng hơn là liệt nửa người cần phải tới ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời. Đối với những người bị tai biến khi thời tiết giá rét, trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến hãy để bệnh nhân nằm nơi ấm áp, kín gió; tăng cường nhiệt, giữ ấm ngực, cổ, đầu và bẹn bằng những thiết bị tăng cường nhiệt như chăn, túi chườm. Chú ý, không nâng cao chân bệnh nhân vì làm vậy máu sẽ dồn nhiều về phía trên người, khiến chân bị băng lạnh nhiều hơn.

Cùng chuyên mục