Hạ thân nhiệt chỉ huy cứu bệnh nhân hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn

Tuấn Bảo, icon
09:11 ngày 14/04/2021

VTV.vn - Nam bệnh nhân 26 tuổi, ở Hà Nội được đưa vào viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng yếu, tím tái toàn thân.

Bệnh nhân được điều trị tích cực tại Bệnh viện E. Ảnh: BVCC

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, khôi phục nhịp tim, nhưng bệnh nhân vẫn rơi vào tình trạng hôn mê sâu và phải duy trì phối hợp thuốc vận mạch liều cao để duy trì nhịp tim - huyết áp.

Ngay lập tức, cuộc hội chẩn giữa các bác sĩ của Khoa Cấp cứu, Trung tâm Tim mạch và Khoa Hồi sức tích cực - chống độc để tìm nguyên nhân và thảo luận phương pháp điều trị hiệu quả cứu sống bệnh nhân tốt nhất. Cuối cùng, các bác sĩ đã đưa ra phương án: vừa phải áp dụng các biện pháp hồi sức cứu sống bệnh nhân, vừa phải giảm tối đa việc để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề cho bệnh nhân.

Kết quả, nhờ sự phối hợp cấp cứu nhanh chóng, việc hồi sức kịp thời và áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt sớm đã giúp cứu sống bệnh nhân thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não, giảm thiểu di chứng thần kinh cho bệnh nhân, bên cạnh các biện pháp hồi sức như thở máy, lọc máu liên tục…

Tín hiệu đáng mừng là sau khi tiến hành can thiệp các biện pháp hồi sức tích cực và quy trình 24 giờ hạ thân nhiệt chỉ huy, bệnh nhân đã ổn định hơn, có nhịp tự thở, đồng tử của bệnh nhân đã co nhỏ, có phản xạ rõ. Sau ngày thứ 5 điều trị, bệnh nhân đã có các phản xạ cựa chân tay khi kích thích đau, huyết áp bệnh nhân gần như ổn định trở lại.

Sau ngày thứ 7, bệnh nhân đã mở mắt theo y lệnh. Đến nay, sau hơn 1 tháng ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, phục hồi vận động, tự ăn uống và đi lại được.

Khi bệnh nhân đã ổn định, các bác sĩ quyết tâm đi tìm lời giải cho căn nguyên mắc bệnh. Qua các thăm dò chuyên sâu về tim mạch, các bác sĩ đã phát hiện tim của bệnh nhân có các sóng tái khử cực (sóng J), nghi ngờ bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng tái khử cực sớm (ERS). Đây là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở những người trẻ tuổi.

Để điều trị và dự phòng triệt để, máy khử rung tự động phòng chống đột tử (ICD) đã được các chuyên gia can thiệp của Trung tâm Tim mạch cấy thành công cho bệnh nhân. Nhờ đó, bệnh nhân đã trở lại cuộc sống thường ngày.

BSCKII Vũ Hải Vinh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: Ngừng tim (còn gọi là ngừng tuần hoàn) là nguyên nhân của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Dù cấp cứu ngừng tim thành công, tim đập trở lại, nhưng với những bệnh nhân bị ngừng tim ngoại viện, thì tỷ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10%, nhiều bệnh nhân sống sót có di chứng thần kinh nặng nề. Nguyên nhân chính sau ngừng tuần hoàn: tổn thương não, tổn thương tim và các phản ứng viêm có hại khác... Hậu quả là phù não, viêm và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong.

Vì vậy, các bác sĩ đã lựa chọn áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt theo mục tiêu để cứu sống bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn. Thời gian vàng cho người bệnh để tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt là trước 6 giờ. Nếu bệnh nhân đưa vào cấp cứu sau 6 tiếng thì hiệu quả sẽ không như mong muốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục