Hẹp van động mạch chủ - Bệnh diễn tiến âm thầm, nhiều biến chứng nguy hiểm

P.V, icon
07:00 ngày 11/11/2019

VTV.vn - Hẹp van động mạch chủ là bệnh phổ biến nhất về van tim, thường gặp ở người trên 60 tuổi và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Đai học Y Dược TP.HCM, bệnh hẹp van động mạch chủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim và nhiều biến chứng nặng nề khác có thể dẫn đến tử vong. Ở những người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng thì tỷ lệ tử vong trong vòng 1 năm lên đến khoảng 20 - 30%. Nghĩa là cứ 10 người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng thì có 2 - 3 trường hợp có thể xảy ra những tai biến, biến chứng nặng và có thể tử vong. Sau 2 năm, tỷ lệ tử vong do hẹp van động mạch chủ là 50%.

Bệnh hẹp van động mạch chủ thường không có triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu. Do đó, khi người bệnh có triệu chứng đồng nghĩa với việc bệnh đã tiến triển nặng và cần phải can thiệp hoặc phẫu thuật thay van. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm: đau tức ngực, khó thở, mệt khi gắng sức, khó thở khi ngủ, ngất xỉu… Các triệu chứng nói trên chỉ xuất hiện khi bệnh đã trở nặng, vì vậy đa số các trường hợp người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn trễ, nguy cơ xảy ra các biến chứng rất cao, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Định, hằng năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 - 500 trường hợp người bệnh có các bệnh lý về van tim đến khám. Trong đó, có khoảng 120 người bệnh đã ở giai đoạn nặng và được chỉ định phẫu thuật, số ca hẹp van động mạch chủ được phẫu thuật mỗi năm là 30 - 50 ca.

Đa số các trường hợp đều được phẫu thuật thay van tim theo đường nội soi, ít xâm lấn (đường mổ nhỏ thay vì mổ hở như trước kia để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh). Đó cũng chính là xu hướng mới trong điều trị bệnh lý này. Các phương pháp ít xâm lấn sẽ giảm mất máu, giảm đau và hạn chế các tai biến, biến chứng có thể xảy ra, giúp người bệnh phục hồi nhanh sau phẫu thuật. Trong các can thiệp ít xâm lấn, thay van động mạch chủ qua đường ống thông là kỹ thuật hiện đại nhất, mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh.

Để phát hiện sớm bệnh và tránh các biến chứng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Đình khuyến cáo: Các triệu chứng của bệnh hẹp van động mạch chủ thường không rõ ràng vì vậy dễ sinh tâm lý chủ quan, người dân không chủ động tầm soát để phát hiện bệnh. Điều này rất nguy hiểm vì khi bệnh diễn tiến nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, đối tượng của bệnh là người trên 60 tuổi nên khám tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, thực hiện siêu âm tim để kịp thời phát hiện những bất thường ở van động mạch chủ để can thiệp trước khi bệnh trở nên quá nặng, hạn chế được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục