Kết hợp kỹ thuật can thiệp và phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực

Văn Thành, icon
07:10 ngày 12/04/2021

VTV.vn - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân phình động mạch chủ đoạn quai bằng kỹ thuật kết hợp giữa can thiệp và phẫu thuật (hybrid).

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân T.V.B. (sinh năm 1956, trú tại Long Mỹ, Hậu Giang) nhập viện trong tình trạng mệt, đau nhức đầu.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả CT cho thấy: Bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực đoạn quai với đoạn phình lớn, kích thước 62x63mm (đường kính ngang và đường kính trước sau).

Các bác sĩ chẩn đoán: Phình động mạch chủ ngực đoạn sát gốc động mạch dưới đòn bên trái. Đây là một vị trí không thể điều trị đặt stent bằng phương pháp can thiệp thông thường do tại vị trí đoạn phình có các mạch máu nuôi não (bao gồm động mạch thân cánh tay - đầu, động mạch cảnh chung trái và động mạch dưới đòn trái).

Sau khi hội chẩn với các chuyên gia, ekip đã quyết định sử dụng kỹ thuật hybrid, kết hợp giữa phẫu thuật chuyển vị trí các mạch máu cổ và can thiệp đặt stent graft tại đoạn phình của động mạch.

Một mạch máu nhân tạo đã được cắm vào động mạch chủ lên, dẫn máu đến 3 động mạch nuôi não vùng cổ (chuyển vị trí toàn bộ mạch máu), sau đó đặt stent graft vào đoạn phình của động mạch chủ ngực. Đặt Stent graft là phương thức điều trị can thiệp nội mạch, tức là can thiệp qua đường ống thông. Kỹ thuật này giúp giảm nguy cơ vỡ và điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch đúng như giải phẫu.

Theo ThS.BS Trần Phước Hòa, Trưởng đơn vị Tim Mạch, đây là một trường hợp phẫu thuật phức tạp, đặc biệt là khi phải chuyển vị hoàn toàn 3 nhánh mạch máu nuôi não. Trong suốt quá trình phẫu thuật chuyển vị phải duy trì huyết động tối ưu, đảm bảo độ mê và theo dõi tưới máu não liên tục bằng máy theo dõi độ bão hòa oxy não để đảm bảo cung cấp máu đầy đủ cho não bệnh nhân.

Cũng theo ThS.BS Trần Phước Hòa, phình động mạch chủ không còn là bệnh lý hiếm gặp, số bệnh nhân mắc phình động mạch chủ nhập viện ngày càng tăng. Thông thường, phình động mạch chủ ít có triệu chứng hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hay khi chụp X-quang ngực thường quy. Ngoài ra, một số bệnh nhân có triệu chứng không điển hình như:

Đau đột ngột vùng trước ngực hoặc sau lưng: Cảm giác đau thường mơ hồ, có thể thấy đau ở vùng cổ và hàm dưới, hoặc đau giữa hai xương bả vai, đau vai trái, hay đau lưng. Khi bị phình tách động mạch chủ ngực thì cơn đau xuất hiện đột ngột như xé vùng trước ngực hoặc sau lưng;

Khó thở, khó nuốt do bị chèn ép: Khi phình động mạch chủ ngực với mức độ lớn có thể gây chèn ép các cấu trúc xung quanh hoặc các tạng lân cận, dẫn đến khàn tiếng (do chèn ép thần kinh thanh quản), khó thở, khó nuốt (do chèn ép khí quản, thực quản), phù (do chèn ép tĩnh mạch).

Để phát hiện kịp thời và điều trị sớm cũng như hạn chế nguy cơ của phình động mạch chủ ngực, người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt đối với người trên 50 tuổi, kiểm soát huyết áp ổn định, không hút thuốc lá, thường xuyên tập thể dục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục