Khi nào nên chỉnh nha cho trẻ?

Linh Chi, icon
09:55 ngày 16/02/2021

VTV.vn - Chỉnh nha hay còn gọi là niềng răng là một loại điều trị chuyên sâu của nha khoa, thuộc chuyên khoa chỉnh hình hàm mặt.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của bác sĩ Phạm Quỳnh Hương, Khoa Răng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chỉnh nha giúp chẩn đoán và điều trị các tình trạng sai lệch khớp cắn do răng hoặc do cơ, do xương như răng chen chúc, khớp cắn chéo, tình trạng hô, móm, mất răng, rối loạn khớp thái dương hàm. Chỉnh nha giúp làm thẳng răng, điều chỉnh khớp cắn, cân bằng hệ thống cơ xương khớp hàm mặt.

Ngày nay, xã hội càng phát triển, nhu cầu về thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng và trở thành nguyên nhân chính để bệnh nhân chỉnh nha. Một trong các câu hỏi quan trọng mà rất nhiều phụ huynh quan tâm, đó chính là "khi nào thì có thể chỉnh nha cho trẻ?". Câu trả lời chính xác là "đúng thời điểm"!

Đúng thời điểm nghĩa là nếu bé có vấn đề về xương như hô, móm do xương, thường do các yếu tố di truyền (điều này có thể quan sát ở bố mẹ bé hay người thân trong gia đình), nếu có thì thời điểm can thiệp là trước khi trẻ dậy thì. Còn nếu trẻ không có vấn đề về xương thì thời điểm can thiệp tốt nhất là sau khi trẻ dậy thì.

Khi xét thời điểm trước dậy thì, ta phải xem xét yếu tố trưởng thành của trẻ, ý thức của trẻ với điều trị, tình trạng, thói quen giữ vệ sinh răng miệng, sức khỏe tổng quát, cân nặng. Với các khí cụ chỉnh xương, thường trẻ phải mang ít nhất 16 tiếng/ ngày mới có tác dụng, điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý, dinh dưỡng của trẻ, mức độ hợp tác của trẻ. Ví dụ, thời điểm dự đoán dậy thì của trẻ là còn 3 năm nữa, thì điều trị có thể bắt đầu tốt nhất là trước 1 năm. Trẻ càng lớn, càng hợp tác và ý thức, giúp điều trị có hiệu quả nhanh hơn, trải nghiệm điều trị dễ dàng hơn.

Để kiểm tra thời điểm dậy thì, bác sĩ có thể dựa vào phim bàn tay hoặc quan sát hình dáng đốt sống cổ trên phim sọ nghiêng. Dự đoán thời điểm dậy thì là một trong những tiên đoán quan trọng cho trẻ, để quyết định thời gian điều trị, sao cho nhanh nhất, hiệu quả nhất và nhẹ nhàng nhất. Dĩ nhiên, có những chỉ định ngoại lệ cần điều trị sớm như dị tật răng bẩm sinh, bệnh lý xương hàm, hở hàm ếch, trẻ cần điều trị sớm để hỗ trợ phẫu thuật sau này. Chỉ định tất nhiên cần phối hợp và tham vấn các bác sĩ phẫu thuật hàm mặt.

Còn nếu trẻ không có vấn đề về xương mà chỉ là vấn đề về răng, trẻ cần theo dõi mọc răng và chờ đợi.

Khi nào cần đưa con đi khám chỉnh nha?

Thời điểm đưa trẻ đi khám răng tốt nhất là khi chiếc răng sữa đầu tiên mọc và duy trì tái khám mỗi năm 1 - 2 lần. Khám chỉnh nha còn có một thời điểm rất quan trọng, đó là "trước đỉnh tăng trưởng". Đây là lúc các bác sĩ có thể can thiệp điều chỉnh xương cho trẻ, bởi chỉ cần qua giai đoạn này, can thiệp chỉ có thể tác động lên răng mà thôi, khi đó, những sai lệch về xương nếu muốn điều chỉnh phải can thiệp phẫu thuật. Các bác sĩ gọi đây là "giai đoạn vàng".

Nếu phụ huynh không biết khi nào là đỉnh tăng trưởng thì có thể dựa vào tuổi của trẻ, đối với bé gái là khoảng 9 tuổi và bé trai là khoảng 10 tuổi. Thời điểm này, nếu khám thấy bé không có vấn đề gì sai lệch về xương, điều trị chỉnh nha có thể chờ lại đến khi bé đã dậy thì xong và mọc đủ răng (khoảng 12 - 13 tuổi). Khi đó, bé đã lớn hơn, biết tự chăm sóc bản thân hơn và quan trọng là ít tái phát sau điều trị.

Ngoài ra, có một số sai lệch về răng cũng có thể được cân nhắc điều trị sớm, nhưng các điều trị này thường ngắn, dễ chịu. Một trong các chỉ định can thiệp chỉnh nha sớm là chỉnh cắn chéo, xoay, nghiêng răng bất thường, thiếu chỗ mọc răng. Chúng ta cần phân biệt với tình trạng răng lệch lạc sinh lý bình thường, ví dụ răng cửa hàm dưới thường mọc vào phía trong các răng sữa khi thay, nhưng chẳng bao lâu, sự cân bằng môi má lưỡi sẽ giúp đẩy các răng cửa hàm dưới ra ngoài, hay khe hở giữa hai răng cửa giữa hàm trên sẽ đóng khít khi các răng cửa bên vĩnh viễn mọc. Theo dõi thay răng đúng thời điểm giúp hạn chế sự lệch lạc răng cho trẻ, nhưng không hứa hẹn sẽ không cần chỉnh nha sau này.

Cần chú ý gì khi trẻ chưa thay răng sữa?

Nhiều phụ huynh cho rằng các răng sữa sẽ thay đi nên không cần giữ gìn, điều đó là sai. Bởi các răng sữa mất đi sớm sẽ làm mất chỗ các răng mọc tiếp theo. Trường hợp thường thấy là mất răng sữa số 5 sớm, răng vĩnh viễn số 6 sẽ di chuyển ra trước gây mất chỗ của răng 5 vĩnh viễn mọc sau này. 

Việc duy trì các răng trên cung hàm ngoài giúp trẻ ăn nhai, còn giúp tăng kích thước cung hàm do tác động của lưỡi. Mất răng sữa sớm có thể làm cung hàm bé hẹp, làm thiếu chỗ mọc răng.

Ngoài ra, các thói quen xấu như mút ngón tay, ngậm ti giả, bú bình, cắn môi, tật đẩy lưỡi hay nuốt sai cũng cần được phát hiện sớm và loại bỏ kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục