Không đánh gió, nặn máu khi bị đột quỵ

Ban Khoa giáo, icon
06:27 ngày 15/10/2017

VTV.vn - Đó là lưu ý của bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Xuân Tú về cách xử trí khi có người bị đột quỵ.

Ảnh minh họa.

Thời điểm giao mùa chính là lúc nhiều loại bệnh tật hoành hành, nguy cơ bị đột quỵ khi thời tiết giao mùa cũng tăng cao. Theo một số thống kê, cứ 45 giây trôi qua trên thế giới lại có ít nhất một người bị đột quỵ; cứ 3 phút trôi qua, thế giới lại có một người tử vong do đột quỵ. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong.

Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não) có thể gây liệt nửa người, tay, chân, rối loạn ngôn ngữ, mất ý thức và có thể đi vào hôn mê nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách, vùng não đó sẽ chết và người bệnh hoàn toàn có thể tử vong.

Dấu hiện nhận biết bệnh nhân bị đột quỵ:

ThS. BS. Nguyễn Xuân Tú, Phó trưởng khoa - phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 1 cho biết, nếu có một số dấu hiệu sau thì cần gọi ngay cấp cứu:

- Một người hoàn toàn bình thường đột nhiên bị đau đầu dữ dội,  buồn nôn, nôn, thậm chí mất ý thức.

- Một số trường hợp bị méo miệng, đang ăn đột nhiên rơi bát rơi đũa.

- Một số trường hợp liệt nửa người và mất ý thức.

Như vậy, tùy từng vị trí bị tổn thương mà bệnh nhân có biểu hiện khác nhau nhưng có điểm chung là bệnh nhân đột ngột không bình thường.

Cách xử trí khi bị đột quỵ:

ThS. BS. Nguyễn Xuân Tú cho biết, đầu tiên, phải cho bệnh nhân nằm ở chỗ thoáng mát, nới lỏng quần áo.

Nếu bệnh nhân có hiện tượng nôn thì phải nghiêng đầu bệnh nhân sang một bên, tránh sặc vào phổi.

Tuyệt đối không đánh gió, nặn máu, không cho uống thuốc mà gọi ngay số điện thoại cấp cứu.

Quý vị có thể theo dõi tư vấn chi tiết từ các chuyên gia trong chương trình Khỏe thật đơn giản sau đây:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục