Không tuân thủ điều trị, bệnh nhân đái tháo đường gặp biến chứng nguy hiểm

Linh Chi, icon
05:29 ngày 05/04/2021

VTV.vn - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận một bệnh nhân 46 tuổi trong tình trạng nặng do biến chứng của đái tháo đường.

Bệnh nhân được theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Ngày 4/4, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân H.D.C. (46 tuổi, trú tại Hòa An, Cao Bằng) nhập viện trong tình trạng nặng nề, tinh thần lơ mơ, kích thích vật vã.

Theo lời người nhà kể, trước lúc vào viện 2 ngày, bệnh nhân có uống rượu nhiều, ăn uống thất thường, không sử dụng thuốc đái tháo đường đúng giờ. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện đi ngoài phân đen, lỏng nhiều lần, nôn nhiều thức ăn lẫn máu màu đen.

Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: Hôn mê gan/đái tháo đường type 2.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân đã được khám, chẩn đoán đái tháo đường đường type 2 và được điều trị nhiều đợt tại bệnh viện, được cấp sổ mạn tính để khám và điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, bệnh nhân đã không tuân thủ phác đồ điều trị, đặc biệt, trong thời gian gần đây, bệnh nhân đã ăn uống không điều độ, sử dụng rượu bia quá nhiều dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hoá, tiêu chảy mất nước nhiều. Cùng với đó là không sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường thường xuyên, đúng giờ, dẫn đến tình trạng tăng lượng đường huyết đột ngột.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Đái tháo đường cần có chế độ ăn hợp lý, tập thể dục thường xuyên và sử dụng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và khám định kỳ. Đặc biệt không nên sử dụng như rượu, bia vì thành phần có chất gây ức chế hình thành glycogen ở gan, đồng thời có thể làm hạ đường huyết ở những bệnh nhân đang dùng insulin hoặc các loại thuốc làm hạ đường huyết. Những loại rượu có chứa thành phần là đường đều có thể làm tăng chỉ số đường huyết. Do đó, nếu người bệnh tiểu đường sử dụng nhiều rượu bia sẽ làm bệnh nặng thêm.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường bắt buộc phải uống thuốc hàng ngày để kiểm soát bệnh, nên hạn chế hoặc nếu có thể nên bỏ hẳn rượu bia vì đây chính là những chất kích thích không tốt cho sức khỏe đặc biệt với những ai đang có bệnh trong người. Khi rượu bia vào cơ thể, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mạch máu xuất hiện các cục máu đông lại, không lưu thông bình thường được.

Việc sử dụng rượu, bia đối với những bệnh nhân này có thể làm giảm hiệu quả tổng thể của insulin và gây tương tác với một số loại thuốc điều trị. Rượu, bia có thể làm cho mức đường huyết tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào số lượng uống vào cơ thể.

Một số loại thuốc điều trị tiểu đường (bao gồm sulfonylureas và meglitinides) cũng làm giảm mức đường huyết bằng cách kích thích tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn. Kết hợp các tác dụng hạ đường huyết của thuốc với rượu, bia có thể dẫn đến hạ đường huyết nghiêm trọng hoặc sốc insulin, đây là tình trạng cần cấp cứu khẩn cấp.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát lượng đường, tinh bột phù hợp, giảm muối, giảm chất béo, thay vào đó ăn nhiều chất xơ và vitamin. Tăng cường vận động thể lực đẩy lùi biến chứng tim mạch, giúp giảm đường huyết và giảm tính kháng insulin. Giữ trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải cũng giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường hiệu quả.

Bệnh nhân tiểu đường cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng bệnh của mình tại cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ có sự điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục