Lâm Đồng: Quyết tâm giải quyết triệt để bệnh lao

Duy Tuấn, icon
05:20 ngày 24/03/2023

VTV.vn - Mục tiêu của ngành Y tế Lâm Đồng năm 2023 tăng cường phát hiện nguồn lây bệnh lao phổi AFB (+) trong cộng đồng. Phấn đấu đạt tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao trên 85%.

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis gây ra. Bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn lao có thể qua đường máu hay bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

Tại Lâm Đồng, năm 2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 568 bệnh nhân lao mới; trong đó có 349 bệnh nhân lao phổi AFB dương tính (nguồn lây chính của bệnh lao trong cộng đồng). Tỷ lệ điều trị bệnh nhân lao phổi AFB dương tính khỏi đạt 90% (đạt yêu cầu của Chương trình Chống lao quốc gia > 85%). Số bệnh nhân lao kháng thuốc đang quản lý trong toàn tỉnh là 8 người. Chương trình chống lao tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các hoạt động phòng, chống lao đúng theo hướng dẫn của Chương trình Chống lao quốc gia.

Lâm Đồng: Quyết tâm giải quyết triệt để bệnh lao - Ảnh 1.

Khám sàng lọc tạo cộng đồng.

Đặc biệt, để chủ động phát hiện bệnh lao, trong năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các Trung tâm Y tế các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Đơn Dương, Lạc Dương và Đam Rông tổ chức khám sàng lọc chủ động phát hiện người mắc lao tại cộng đồng cho người dân tại 56 xã của 6 huyện theo hoạt động Dự án Quỹ toàn cầu. 

Người dân đến khám sàng lọc bệnh lao được chụp phim Xquang và xét nghiệm Gene Xpert miễn phí. Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe bố trí xe Xquang lưu động tại các điểm khám và thực hiện phỏng vấn sàng lọc bệnh lao cho khoảng 6.000 người và thực hiện xét nghiệm Gene Xpert chẩn đoán bệnh lao cho gần 1.200 người dân. 

Những người ho khạc kéo dài trên 2 tuần, người tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh lao, người bệnh lao cũ (bệnh nhân mắc lao trong năm 2020 - 2021) và những người có triệu chứng nghi lao, người có nguy cơ mắc lao cao (người nhiễm HIV, người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân tiểu đường, người có dấu hiệu ho khạc đờm kéo dài...) đều được ưu tiên khám sàng lọc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục