Lấy ổ cặn mủ màng phổi cho trẻ sơ sinh gần 2 tháng tuổi

Văn Thành, icon
08:14 ngày 31/12/2020

VTV.vn - Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa tiếp nhận trẻ sơ sinh gần 2 tháng tuổi (trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) trong tình trạng sốt cao, ho nhiều.

Trước đó, trẻ được chẩn đoán viêm phổi/kén khí phổi trái/nhiễm khuẩn tiêu hóa và điều trị nội khoa, tuy nhiên bệnh tiến triển chậm nên được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh điều trị tiếp.

Kết quả khám lâm sàng và chụp CT phổi cho thấy: Hình ảnh khoang màng phổi trái có nhiều dịch không đồng nhất, thuỳ trên phổi trái có vài nang khí. Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán: trẻ bị cặn mủ màng phổi trái/áp xe thuỳ giữa phổi trái do nang khí bội nhiễm và chỉ định phẫu thuật nội soi điều trị ổ cặn màng phổi cho trẻ.

Trong quá trình mổ nội soi, các bác sĩ phát hiện khoang màng phổi trái nhiều mủ trắng, dày dính nhu mô phổi vào thành ngực, kiểm tra thùy trên phổi trái có ổ áp xe, vỡ mủ... Trẻ được tiến hành gỡ dính toàn bộ nhu mô phổi, lấy bỏ tối đa mủ khoang màng phổi trái, phá, mở rộng ổ áp xe phổi trái, lau rửa khoang màng phổi trái.

Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Hiện tại, trẻ đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu và tiên lượng sớm ổn định.

Theo các bác sĩ, trẻ em thường có cơ địa yếu nên là đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này. Nếu không được điều trị, bệnh có thể để lại các biến chứng như xẹp thùy phổi, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng não, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết… có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Để giảm biến chứng nguy hiểm do bệnh viêm phổi thùy gây ra, cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh, vệ sinh thông thoáng cho bé vào mùa hè. Giữ cho môi trường sống sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất. Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh để có hướng điều trị nhanh, đúng và phù hợp nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục