Liên tục ghi nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do rắn cắn

Mai Lê, icon
10:51 ngày 10/12/2023

VTV.vn - Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên liên tục tiếp nhận điều trị các trường hợp bị rắn cắn.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị rắn cắn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo thống kê của Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ tháng 9/2023 đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 150 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó, chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ. Trung bình mỗi ngày ngày có 2-3 bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện, cao điểm có ngày lên đến 5 - 6 ca.

Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khác nhau như: Tổn thương tại vùng bị cắn, hoại tử, phù nề, liệt phải thở máy, rối loạn đông máu, chảy máu… Đáng nói, có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng nguy kịch, nhập viện muộn do dùng thuốc nam sơ cứu hoặc sơ cứu theo phương pháp dân gian truyền miệng.

Bác sĩ Đào Thị Minh Hảo - Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: Khu vực Tây Nguyên nhiều nương rẫy nên vào mùa thu hái cà phê, tình trạng bệnh nhân nhập viện do bị rắn cắn, nhất là rắn lục đuôi đỏ gia tăng. Đặc điểm rắn lục đuôi đỏ ban ngày nghỉ, đêm kiếm ăn nên từ chạng vạng tối trở đi là thời điểm người dân thường bị rắn cắn. Cũng tùy vào mức độ cắn của rắn, răng cắm sâu và bơm nọc độc nhiều hay ít sẽ tương ứng với mức độ nặng – nhẹ của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Hảo, các bệnh nhân nhập viện đa phần đều phải dùng huyết thanh, vết thương đã sưng nhiều và lan diện rộng. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn rất nguy hiểm, sẽ gây rối loạn đông máu và sưng vết thương tại chỗ, khi đó sẽ gây chèn ép tại các mạch máu và gây hoại tử hay còn gọi là hội chứng chèn ép khoang. Khi chèn ép lâu ngày mà không xử trí được, bệnh nhân sẽ bị hoại tử. Riêng rối loạn đông máu có thể diễn ra rất nhanh, rối loạn đông máu nặng nề gây xuất huyết nội tạng và nghiêm trọng nhất là xuất huyết não.

Để đề phòng rắn cắn, bác sĩ Đào Thị Minh Hảo khuyến cáo, không phải chỉ ở khu vực nông thôn, nương rẫy mới có rắn, ngay trong khu vực thành thị, các loài rắn độc vẫn có thể xuất hiện và cắn gây thương tích. Do đó, người dân không đi đến chỗ có cây cối rập rạp, hạn chế đi vào ban đêm; cần mặc đồ bảo hộ, mang ủng, đeo găng tay khi đi nương rẫy, hái cà phê. Đặc biệt, khi bị rắn cắn người bệnh không được đắp các loại lá thuốc dân gian bởi rất có thể sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn như: rối loạn đông máu, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng huyết dẫn tới tử vong. Ngay sau khi bị rắn cắn cần tiến hành rửa vết thương bằng nước sạch, nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục