Mỹ thêm ung thư vào danh sách bệnh nền dẫn tới COVID-19 thể nặng

Nhật Anh, icon
09:49 ngày 26/07/2020

VTV.vn - Ung thư vừa được thêm vào danh sách của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ về các bệnh nền làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 ở thể nặng.

Hình: Business Insiders

Theo CDC Mỹ, nguy cơ này áp dụng đối với bệnh nhân ung thư ở mọi lứa tuổi. Động thái này phản ánh dữ liệu gần đây về gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng ở những người bị ung thư và nguy cơ này áp dụng đối với bệnh nhân ung thư ở mọi lứa tuổi.

Các bệnh nền khác có trong danh sách của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ, gồm: bệnh thận mãn tính, béo phì, bệnh tim nghiêm trọng và bệnh tiểu đường tuýp 2.

Các bệnh nền khác cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 ở thể nặng, gồm hen suyễn, xơ nang và huyết áp cao.

Trước đó, đã có nghiên cứu cho thấy bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền là ung thư đối mặt nguy cơ tử vong lên đến 28%. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Y khoa The Lancet và được thảo luận tại hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Ung bướu Mỹ.

Công trình bao gồm những phân tích quy mô lớn nhất tính đến nay, diễn ra ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và Canada. Trong báo cáo, các nhà khoa học chỉ ra một nửa trong số 928 bệnh nhân tiền sử ung thư mắc COVID-19 phải nhập viện, 13% trong đó qua đời. Con số này lớn hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Báo cáo thứ hai, từ các chuyên gia Anh, cho thấy tỷ lệ tử vong của 800 bệnh nhân ung thư và mắc COVID-19 ở mức 28%. Rủi ro tăng lên theo độ tuổi và các vấn đề sức khỏe khác như huyết áp cao.

Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hiện nước Mỹ ghi nhận 1,6 triệu ca ung thư mới mỗi năm, hàng triệu bệnh nhân khác đang trong quá trình điều trị. 

Tiến sĩ Jeremy Warner, chuyên gia dữ liệu tại Đại học Vanderbilt, tác giả của nghiên cứu, khuyến cáo bệnh nhân ung thư cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa để tránh nhiễm virus SARS-CoV-2. Ông cũng khuyến cáo các bệnh nhân tiền sử ung thư và các vấn đề về phổi cần đặc biệt cẩn trọng, tự cách ly tại nhà nghiêm ngặt và chú ý tới sức khỏe thành viên khác trong gia đình.

Gần một nửa số bệnh nhân trong nghiên cứu của tiến sĩ Warner đang chữa ung thư khi được chẩn đoán mắc COVID-19. Những người khác, hoặc đã hoàn thành việc điều trị, hoặc chưa bắt đầu. Một số người có tiền sử ung thư. Nguyên nhân khảo sát diện rộng là do một vài phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng tới phổi và hệ miễn dịch nhiều năm sau khi kết thúc lộ trình. Điều này liên quan mật thiết tới khả năng hồi phục khi mắc COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục