Nắng nóng: Cảnh báo nguy cơ đột quỵ tăng cao

Theo Sức khỏe đời sống, icon
08:31 ngày 19/05/2013

 Nắng nóng và ngoài trời có khi lên tới 41 – 42 độ C ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của con người, các loại bệnh do nắng nóng gây ra ngày càng nhiều trong đó đặc biệt nguy hiểm có bệnh đột quỵ.

Bệnh đột quỵ do nắng nóng:

Đột quỵ do nắng nóng là tình trạng thân nhiệt trung tâm cao trên 40 độ C, da nóng, khô kèm theo các rối loạn về thần kinh trung ương như run cơ, co giật và thậm chí có thể hôn mê.

Đột quỵ do nắng nóng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc kéo dài với môi trường có nhiệt độ cao như ở ngoài trời nắng nóng hoặc phải làm việc trong các lò gốm sứ, lò rèn, lò luyện kim... trong điều kiện độ ẩm không khí cao, không thông thoáng. Đây được gọi là đột quỵ do nắng nóng không do gắng sức, thường xảy ra với người già yếu, người có các bệnh mạn tính như bệnh tim, phổi...

Đột quỵ do nắng nóng cũng xảy ra ở những người phải làm việc với cường độ cao liên tục dưới trời nóng ẩm như các vận động viên chạy việt dã, đua xe đạp hoặc nông dân lao động chân tay trên những cánh đồng, đây được gọi là đột quỵ nắng nóng do gắng sức.

Dựa vào cơ chế sinh bệnh học, đột quỵ do nắng nóng được hiểu là một tình trạng tăng thân nhiệt gây đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó tổn thương thần kinh là nổi bật.

Bệnh cảnh do nắng nóng rất đa dạng, biểu hiện từ mức độ nhẹ có thể tự khỏi sau khi nghỉ ngơi (say nắng nóng) đến mức độ nặng, nguy kịch có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về thần kinh, mặc dù được điều trị tích cực (kiệt sức, đột quỵ do nắng nóng ).

‘ Uống đủ nước khi trời nóng, một cách để phòng đột quỵ.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ đột quỵ do nắng nóng:

- Nhóm đối tượng trẻ em và người già, một số người có đáp ứng kém hay kém thích nghi với nhiệt độ cao.

- Phải làm việc hoặc tập luyện quá lâu ở môi trường nắng nóng.

- Tiếp xúc đột ngột với môi trường nắng nóng, thiếu các trang bị bảo hộ ngăn ngừa nắng nóng.

- Người đang sử dụng một số thuốc như thuốc lợi tiểu gây mất nước, điện giải, các thuốc chẹn beta giao cảm điều trị tăng huyết áp, các thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, các chất ma túy loại amphetamines hoặc cocaine.

- Người đang có các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, người béo phì, người cơ thể không được khỏe hoặc ăn uống không đầy đủ.

Biểu hiện của đột quỵ do nắng nóng

Nạn nhân của đột quỵ do nắng nóng là những người đi nắng lâu và không có phương tiện che đỡ hay phải tiếp xúc với nguồn nhiệt cao và lâu (gần các lò nung vôi, gốm...) hoặc phải vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng kéo dài.

Các biểu hiện ban đầu luôn có như vã mồ hôi, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh, nông, có khi đau bụng, nôn mửa, sau đó xuất hiện chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, chuột rút, đái ít, sốt cao có khi lên tới 44 độ C, da và niêm mạc khô, trụy mạch.

Cá biệt có trường hợp có tụ máu dưới màng cứng và trong não. Nặng hơn, nạn nhân sẽ có biểu hiện thương tổn thần kinh như li bì, giãy giụa, mê sảng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Đối phó với đột quỵ do nắng nóng:

Trước một nạn nhân bị đột quỵ do nắng nóng, việc đầu tiên là phải tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước và càng sớm càng tốt bằng các biện pháp như đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi hết quần áo; chườm lạnh bằng nước đá khắp người hoặc phun nước lạnh hay nhúng cả người nạn nhân vào bể nước lạnh.

Khi nhiệt độ xuống 38 độ C, đưa nạn nhân vào chỗ thoáng mát. Sau đó có thể cho nạn nhân uống aspirin, hoặc aminazin rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.

Tại cơ sở y tế, nạn nhân sẽ được hồi sức hô hấp, tuần hoàn, điều chỉnh thăng bằng điện giải, kiềm toan, truyền dịch khoảng 5 lít (đường 5%; NaCl 0,9%), chống suy thận cấp do tiêu cơ vân.

Khi cần, phải tiến hành lọc máu cho nạn nhân và điều chỉnh rối loạn các tạng khác: suy gan, rối loạn đông máu, chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ... cho tới khi nạn nhân phục hồi.

Phòng chống đột quỵ do nắng nóng

Mặc dù nguy hiểm, nhưng đột quỵ do nắng nóng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản như tránh đi lâu, làm việc kéo dài ngoài trời khi trời nắng to; tránh làm việc lâu khi gần các nguồn nhiệt nóng như lò nung vôi, gốm, lò rèn.

Mang đủ mũ nón, trang bị bảo hộ lao động cần cho phòng tránh nắng nóng; uống đủ nước, muối khi làm việc trong môi trường nắng nóng; cải thiện môi trường làm việc: thông gió, thông khí đảm bảo; không làm việc hoặc có những hoạt động gắng sức khi cơ thể mệt mỏi, ăn uống không đầy đủ.

Cùng chuyên mục