Ngỡ ngàng bé trai 9 tuổi bị đột quỵ não

P.V, icon
11:28 ngày 26/04/2019

VTV.vn - Bệnh nhi 9 tuổi, nhập viện trong tình trạng ói, có biểu hiện lừ đừ, ngủ nhiều, không nói, ói nhiều khi xoay trở và ngủ gà.

Thông tin từ gia đình, chiều hôm trước khi nhập viện, bé vẫn chơi và chạy bình thường, đột ngột xanh xao và nôn ói trên 10 lần.

Tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), trải qua 3 ngày theo dõi và điều trị, ngày thứ 4, bác sĩ tiến hành chụp MRI. Theo kết quả, bệnh nhi được chẩn đoán nhồi máu não, tắc động mạch thân nền. 

Bệnh nhi được điều trị theo phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ tái thông TICI3. Đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến trong điều trị tắc động mạch được áp dụng ở nhiều bệnh viện trung tâm lớn trên cả nước.

Mặc dù đã qua 3 giờ vàng điều trị đột quỵ, nhưng bệnh nhi đã được đội ngũ bác sĩ chẩn đoán đúng và có phương án điều trị hợp lý. Đây là một trong những ca bệnh khá phức tạp vì đã nằm theo dõi trong 3 ngày tại bệnh viện. Nếu không phát hiện sớm và được điều trị đột quỵ tắc động mạch kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ tử vong.

Sau can thiệp, bệnh nhi tiếp tục được bác sĩ theo dõi chăm sóc đặc biệt. Đến ngày thứ 12, bệnh nhi được xuất viện. Một tháng sau ngày xuất viện, bệnh nhi đã dần hồi phục trở lại như bình thường.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đột quỵ thiếu máu não cấp không chỉ xảy ra ở người lớn mà trẻ em cũng có thể bị. Tỷ lệ đột quỵ thiếu máu não cấp ở trẻ em chiếm khoảng 25% trong tổng số bệnh nhân bị đột quỵ não ở trẻ em. Khoảng 19 trong số 45 trẻ đột quỵ không được chuẩn đoán xác định cho đến 15 giờ hoặc kéo dài đến 3 tháng sau khi khởi phát triệu chứng.

Hiệu quả điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp ở người lớn bằng thuốc tiêu sợi huyết áp (rTPA) và lấy huyết khối bằng dụng cụ đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu RCT. Tuy nhiên, chứng cứ về điều trị ở trẻ em còn thiếu rất nhiều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục