Người dân nên đi tiêm phòng vaccine dại ngay sau khi bị chó cắn, mèo cào

Mai Lê, icon
11:32 ngày 18/04/2023

VTV.vn - Bệnh dại là bệnh nguy hiểm mà hiện nay chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu nào.

Hình minh họa.

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, thời tiết ở Tây Nguyên đang bước vào mùa nắng nóng, đây cũng là thời điểm bệnh dại do chó, mèo cắn, cào gia tăng. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%.

Chính vì vậy, người dân không nên chủ quan khi bị động vật cắn dù chỉ trầy xước nhẹ. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng bệnh và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại bằng cách thực hiện các khuyến cáo sau:

1. Tiêm phòng dại cho chó, mèo định kỳ hàng năm.

2. Không thả rông chó, mèo ra đường. Khi dắt chó ra đường phải có rọ mõm.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vaccine dại hoặc vaccine + huyết thanh kháng dại phải thực hiện càng sớm càng tốt.

- Tuyệt đối không dùng các bài thuốc không rõ nguồn gốc, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục