Nguy cơ gia tăng người cao tuổi mắc COVID-19 sau Tết

Quỳnh Anh, icon
08:04 ngày 13/02/2022

VTV.vn - Từ mùng 4 Tết đến nay, số ca nhiễm COVID-19 đang tăng dần trở lại. Đáng nói, trong sự gia tăng số ca mắc mới sau Tết thì không ít trong đó là người cao tuổi.

Hình minh họa.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến số ca COVID-19 tăng là ngày Tết nhiều lễ hội, gặp gỡ, tiếp xúc đông người làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Tết cũng là thời điểm, nhiều người dân trở về địa phương đón Tết sau đó lại quay lại thành phố.

Với việc di chuyển nhiều không thể tránh khỏi các trường hợp lây nhiễm chéo mà không có biểu hiện nên chưa được phát hiện để cách ly và trở thành nguồn lây cho cộng đồng, hay trong gia đình, đặc biệt với những người cao tuổi mặc dù không đi lại chúc Tết và chỉ ở trong nhà. Thực tế sau Tết, nhiều trường hợp người già đã được phát hiện nhiễm COVID-19 với những diễn biến nặng.

BSCKII. Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết: "Sau dịp Tết số lượng người cao tuổi nhập viện vì COVID-19 tăng đột biến, tăng rõ rệt so với thời gian trước. Việc này có thể lý giải là, dịp Tết là dịp con cháu, người thân quen đến thăm. Sau khi độ phủ vaccine rất rộng, thì mọi người cũng có một tâm lý chủ quan, tuy nhiên người được tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm và vẫn có thể truyền bệnh cho người khác đặc biệt là người cao tuổi có bệnh nền. Khi Tết ít người quan tâm đến việc đeo khẩu trang đặc biệt là khi đi chúc Tết đấy chính là nguy cơ".

Thực tế, vaccine có thể bảo vệ cơ thể trước diễn biến nặng của bệnh chứ không bảo đảm việc không nhiễm hay nhiễm mà không trở thành nguồn lây. Trong khi đó, người già và bệnh lý nền là những đối tượng nhạy cảm với COVID-19, họ rất dễ bị ảnh hưởng nặng khi nhiễm bệnh, thậm chí là tử vong, đáng nói vẫn còn nhiều trường hợp người cao tuổi vẫn chưa tiêm vaccine.

BSCKII. Nguyễn Đặng Khiêm cho biết thêm: "Đáng tiếc là đa số những người cao tuổi nhiễm COVID-19 trong dịp này đều chưa tiêm vaccine vì những người cao tuổi này có một tâm lý là mình không đi đâu cả cho nên là cũng không cần thiết phải tiêm vaccine. Chính vì vậy, khi nhiễm COVID-19 thì đa phần đều rất nặng".

"Đa số những người bệnh là chưa tiêm hoặc có bệnh lý nền, ngày trước chưa có vaccine thì người trẻ cũng có thể trở nặng nhưng hiện nay thì chủ yếu là người già, số ca phải thở máy dẫn đến tử vong thì giảm. Nhưng tỷ lệ người mà đã thở máy dễ tử vong vẫn không thay đổi, vẫn 40-50%" - PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cho hay.

Không ít trường hợp người cao tuổi vẫn chưa thể tiêm vaccine COVID-19 do nhiều yếu tố liên quan, vì vậy đối tượng này cần được bảo vệ trước mọi nguy cơ dịch bệnh và được vận động tiêm vaccine sớm. Bởi nếu các trường hợp này gia tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện tầng 2, 3 cũng tăng, dễ dẫn đến quá tải hệ thống y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục