Nguy hiểm ung thư trung biểu mô màng phổi

Vũ Nhi, icon
05:31 ngày 24/07/2020

VTV.vn - Ung thư trung biểu mô màng phổi là loại ung thư hiếm gặp và khó chẩn đoán. Thời gian ủ bệnh dài, từ 10 đến 50 năm mới xuất hiện triệu chứng.

Mới đây, Khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) xác nhận một trường hợp ung thư trung biểu mô màng phổi.

Bệnh nhân nữ N.T.T.P. (49 tuổi, trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh) có tiền sử khỏe mạnh. Khoảng 1 tuần trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện đau tức ngực phải kèm cảm giác khó thở khi hít sâu.

Hình ảnh chụp X-quang cho thấy: Có một lượng nhỏ dịch màng phổi phải. Bệnh nhân được chỉ định chọc hút làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, cho thấy có yếu tố nghi ngờ tế bào ác tính. Bệnh nhân tiếp tục được phẫu thuật nội soi lấy dịch và mẫu bệnh phẩm sinh thiết màng phổi phải.

Kết quả sinh thiết xác định là u trung mô ác tính. Nhận định đây là trường hợp hiếm gặp, các bác sĩ Khoa Giải phẫu bệnh đã hội chẩn ca bệnh cùng chuyên gia đầu ngành thuộc Đại học Y khoa Karolinska - Thụy Điển và nhận được kết quả trùng khớp.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hoành, Trưởng Khoa Phẫu thuật - Can thiệp Tim mạch và Lồng ngực cho biết: Ung thư trung biểu mô màng phổi là bệnh hiếm gặp và có tiên lượng rất xấu. Phần lớn tuổi thọ trung bình của người bệnh sau khi được chẩn đoán chỉ từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị đa mô thức như hiện nay, bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… tỷ lệ sống cho người bệnh được cải thiện hơn.

Trường hợp bệnh nhân trên đã được tư vấn áp dụng phương pháp điều trị này: phẫu thuật cắt toàn bộ màng phổi thành, một phần cơ hoành và một phần màng tim, cùng với hóa trị và xạ trị.

Theo một số tài liệu, amiăng là chất gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư thực quản, buồng trứng và cả ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim)…

Tại Việt Nam, amiăng là nguyên liệu chính trong các tấm lợp A-C (tấm lợp fibro/pro xi măng) được sử dụng rộng rãi trong xây dựng công trình, nhà xưởng, hộ gia đình… Tất cả các thao tác trong quá trình sản xuất sản phẩm chứa amiăng (xé bao, nghiền, trộn, khoan…) hay trong khi sử dụng (cắt, đập, phá dỡ các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng) đều có thể phát sinh bụi amiăng trong môi trường và là nguyên nhân gây bệnh khi người dân hít phải bụi này. Bên cạnh đó, các thói quen tận dụng, tháo dỡ các tấm amiăng vỡ để lát đường, làm chuồng trại… cũng làm tăng nguy cơ hít phải chất trên.

Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân có các triệu chứng như khó thở, đau ngực, ho khan và mệt mỏi… Đặc biệt là những người có tiếp xúc với amiăng nên thường xuyên khám sức khỏe,bao gồm chuyên khoa lồng ngực để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời. Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với các vật liệu chứa amiăng; Nghiêm túc tuân thủ các quy định về an toàn lao động như đeo khẩu trang, mặc trang phục bảo hộ…; Không tự ý tháo dỡ, vứt bỏ vật liệu chứa amiăng mà cần có tư vấn của cơ quan môi trường địa phương; Không dùng các tấm amiăng để lát đường, làm chuồng trại… là những việc cần làm để phòng ngừa nguy cơ nhiễm độc amiăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục