Nhà khoa học 2 lần tự lây nhiễm COVID-19 để nghiên cứu kháng thể

Nhật Anh, icon
05:04 ngày 30/10/2020

VTV.vn - Một nhà khoa học người Nga đã tự cho bản thân nhiễm SARS-CoV-2 2 lần với mục đích nghiên cứu về khả năng cơ thể phát triển kháng thể với loại virus này.

Hình: Metro

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, Tiến sĩ Alexander Chepurnov, 69 tuổi, thuộc Viện Y học Lâm sàng và Thực nghiệm ở Novosibirsk, đã mắc COVID-19 lần đầu sau khi trở về từ một chuyến du lịch đến Pháp hồi tháng 2. Sau khi hồi phục sức khỏe trở về nhà mà không cần nhập viện, ông và nhóm của mình tại Viện Y học Lâm sàng và Thực nghiệm ở Novosibirsk đã khởi động một nghiên cứu về kháng thể với virus SARS-CoV-2.

Họ đã nghiên cứu cách hoạt động của các kháng thể, độ mạnh, thời gian kháng thể tồn tại trong cơ thể và nhận thấy kháng thể giảm nhanh chóng. 

Ông cho biết: "Đến cuối tháng thứ ba kể từ khi tôi bị mắc COVID-19, các kháng thể không còn được phát hiện".

Phát hiện này khiến Chepurnov lo lắng, ông quyết định kiểm tra xem hệ thống miễn dịch của mình sẽ phản ứng như thế nào khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 lần thứ hai. Vì vậy, nhà khoa học 69 tuổi này đã cố tình tiếp xúc với những bệnh nhân mắc COVID-19 mà không có bất kỳ biện pháp phòng dịch nào.

"Chúng tôi bắt đầu theo dõi phương thức, mức độ hoạt động của các kháng thể và thời gian chúng tồn tại trong cơ thể. Quan sát cho thấy kháng thể trong cơ thể giảm nhanh. Đến cuối tháng thứ 3, các kháng thể không còn tồn tại trong cơ thể tôi nữa," ông cho biết.

Ở lần bị bệnh thứ hai, tình trạng ông nghiêm trọng hơn nhiều và ông phải nhập viện. "Trong năm ngày, nhiệt độ của tôi vẫn trên 39 °C. Tôi mất khứu giác, nhận thức về vị giác của tôi thay đổi", ông chia sẻ.

Điều ông lo lắng nhất đã được xác nhận. Khả năng phòng vệ của cơ thể trước virus SARS-CoV-2 chỉ còn đúng 6 tháng sau lần đầu tiên ông mắc bệnh. Dựa trên trường hợp của chính mình, nhà khoa học này cho biết khả năng miễn dịch cộng đồng là một kỳ vọng thiếu căn cứ.

Chuyên gia này kết luận: khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 có thể kéo dài khoảng 6 tháng sau khi phát bệnh. Tuy nhiên, theo ông, hiện có rất ít cơ sở để hình thành miễn dịch cộng đồng và do đó, các loại vaccine ngừa COVID-19 nên được phát triển theo dạng tiêm nhắc lại. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục