Nhiễm khuẩn huyết, suy tạng do... sỏi thận

P.V, icon
09:14 ngày 14/10/2019

VTV.vn - Bệnh nhân nữ 61 tuổi vào viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, sốt cao, rét run, suy hô hấp...

Tại Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện, qua thăm khám, chụp phim, siêu âm, xét nghiệm máu, các bác sĩ xác định: Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết nặng, đã rơi vào tình trạng sốc, suy nhiều tạng trong cơ thể do thận bị ứ mủ vì sỏi niệu quản và sỏi thận trái...

Tình trạng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong có thể trên 30%. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị tích cực.

Bệnh nhân được lọc máu liên tục tại Khoa Hồi sức tích cực. Đồng thời, tiến hành đặt ống thông niệu quản để tháo mủ trong thận.

Sau khi bệnh nhân thoát được tình trạng nguy kịch, hết nhiễm trùng, các bác sĩ đã tiến hành tán sỏi thận đường hầm nhỏ qua da và lấy hết sỏi cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, sỏi đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp, triệu chứng đôi khi âm thầm chỉ phát hiện khi có biến chứng. Biến chứng hay gặp của sỏi thận là cơn đau quặn thận do sỏi kẹt tại niệu quản gây thận ứ nước cấp tính. Bệnh nhân sẽ đau vùng hông lưng, có thể đau đột ngột từng cơn hoặc đau liên tục, dữ dội, đôi khi kèm sốt cao lạnh run.

Bên cạnh đó, nhiễm trùng đường tiết niệu do sỏi là biến chứng quan trọng có thể gây nguy hiểm đến sinh mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thận ứ nước do sỏi làm tắc nghẽn dòng nước tiểu kéo dài gây suy chức năng thận không hồi phục cũng là một trong những biến chứng thường gặp.

Nguyên nhân gây sỏi thận hầu hết liên quan đến rối loạn các quá trình chuyển hóa. Ngoài ra, ít vận động, chế độ ăn uống ít nước, thói quen nhịn tiểu, ăn quá nhiều muối, lạm dụng canxi và một số khoáng chất cũng là một trong những nguyên nhân gây sỏi thận. Người dân nên khám sức khỏe định kỳ và làm siêu âm bụng giúp chẩn đoán sớm sỏi đường tiết niệu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục