Nhiều nghiên cứu, ứng dụng mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư

Lê Thạch, icon
04:08 ngày 19/08/2019

VTV.vn - Sáng nay (19/8) tại Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội nghị quốc tế Transmed lần thứ 4 về những tiến bộ công nghệ và nghiên cứu lâm sàng trong y học chính xác.

Diễn ra trong 2 ngày 19 - 20/8, hội nghị quốc tế Transmed lần thứ 4 về những tiến bộ công nghệ và nghiên cứu lâm sàng trong Y học chính xác thu hút trên 30 chuyên gia hàng đầu quốc tế và trên 500 đại biểu là các thầy thuốc, nhà nghiên cứu về ung thư, sinh học phân tử, tế bào gốc… đến từ các tỉnh, thành phố, các đơn vị y tế trong cả nước. Hội nghi với 40 báo cáo khoa học mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư: Điều trị miễn dịch, Trí tuệ nhân tạo trong Y học, Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, tế bào iPS, Gen trị liệu và công nghệ CRISPR/Cas9 và Thực hành lâm sàng điều trị miễn dịch ung thư.

Nhiều nghiên cứu, ứng dụng mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư - Ảnh 1.

Đây là hội nghị được tổ chức hàng năm tại Việt Nam với mục tiêu cập nhật các tiến bộ, công nghệ mới và các thành tựu toàn cầu trong lĩnh vực gen, tế bào gốc. Hội nghị cũng tập trung vào việc thúc đẩy nâng cao năng lực, hợp tác nghiên cứu quốc tế với các bệnh viện và phát triển sự nghiệp cho thế hệ khoa học trẻ.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng là nơi để các nhà quản lý bệnh viện, các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị, nghiên cứu tại các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, viện, trường đại học có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về tiến bộ mới trong công nghệ gen và tế bào gốc, hiệu quả và ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

Với bài báo cáo Điều trị đích và điều trị miễn dịch trong ung thư tại hội nghị, GS.TS Mai Trọng Khoa, Trưởng Đơn vị gen - Tế bào gốc, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: trong điều trị ung thư, Việt Nam đã tiệm cận với các quốc gia trên thế giới với rất nhiều kỹ thuật hiện đại được ứng dụng.

Đơn cử như tháng 3/2017, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho phép sử dụng thuốc điều trị miễn dịch cho bệnh Hodgkin thì đến tháng 5/2017, điều trị miễn dịch đã được các bác sĩ của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai áp dụng cho bệnh nhân ung thư đầu tiên.

Đó là một cháu bé 16 tuổi, được chẩn đoán ung thư hạch Hodgkin, sau khi được phẫu thuật, xạ trị, hóa chất nhưng bệnh nhân vẫn tiến triển, các bác sĩ đã áp dụng điều trị miễn dịch cho bệnh nhi và đem lại kết quả tốt. Đến nay, bệnh nhi vẫn sống hoàn toàn khỏe mạnh.

Tuy nhiên, GS.TS Mai Trọng Khoa nhấn mạnh: việc điều trị ung bướu vẫn phải dựa theo nguyên tắc: điều trị phối hợp nhiều phương pháp, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, điều trị đích, điều trị miễn dịch sinh học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục