Nhiều trẻ chấn thương sọ não nhập viện do tai nạn

P.V, icon
08:00 ngày 01/11/2021

VTV.vn - Trong tháng 10, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận gần 100 trẻ nhập viện trong tình trạng theo dõi chấn thương sọ não do tai nạn sinh hoạt, giao thông.

Chấn thương sọ não có thể gây ra nhiều di chứng nặng nề đối với trẻ. Ảnh: BVCC

Trong số những bệnh nhi đang điều trị do chấn thương sọ não, đáng chú ý có bệnh nhi N.Đ.P., 14 tuổi, trú tại Nghi Lộc, Nghệ An. Mặc dù theo quy định, bệnh nhi chưa đủ tuổi để điều khiển xe gắn máy nhưng trẻ đã tự ý tập đi xe, trong quá trình tập không may bị đâm vào cột điện bên đường.

Sau tai nạn, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đa chấn thương: chấn thương sọ não, chấn thương bụng kín (vỡ gan, vỡ thận, chấn thương lách), chấn thương phổi, tụ máu ở mắt và có nhiều vết xây xát trên cơ thể.

Một trường hợp khác cũng nhập viện do chấn thương sọ não là bệnh nhi 17 tháng tuổi, trú tại Đô Lương, Nghệ An. Khi đang chơi tại nhà, bệnh nhi không may bị ngã từ tầng 2 xuống (độ cao khoảng 4m), khiến đầu bệnh nhi đập vào nền đất cứng.

Sau khi nhập viện, tất cả bệnh nhi đều được cấp cứu nhanh, chụp cắt lớp vi tính sọ não nhằm chẩn đoán sớm. Các trường hợp nặng vào khoa được hỗ trợ thở máy, kiểm soát huyết áp, chuyển phẫu thuật chấn thương sọ não, chống phù não, chống nhiễm trùng và bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, tình trạng trẻ đều rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

TS.BS Trần Văn Cương, Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: Chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn vào đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu trúc khác bên trong hộp sọ. Chấn thương sọ não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt với trẻ em. Chấn thương sọ não ở trẻ em thường do bất cẩn trong sinh hoạt hoặc do tai nạn giao thông, thường gặp nhất là ngã cầu thang, ngã từ trên giường, do leo trèo, đi xe đạp, vật nặng va đập trúng đầu.

Chấn thương sọ não nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu. Khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ dưới da đầu. Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lún xương sọ hay vết thương sọ não. Trầm trọng hơn là các tổn thương trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não.

Tùy vào vị trí tổn thương sọ não, chấn thương sọ não ở trẻ em sẽ để lại di chứng hoặc không. Trường hợp chấn thương rất nặng có thể gây ra di chứng về thần kinh hoặc yếu, liệt không phục hồi… hoặc trẻ có thể có nguy cơ tử vong.

Việc sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách có thể bảo toàn được tính mạng của trẻ hoặc hạn chế để lại di chứng cho trẻ. Khi trẻ bị ngã hay gặp tai nạn giao thông, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần:

- Đưa trẻ ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh gây thêm thương tích cho trẻ (ví dụ khi trẻ bị tai nạn giao thông, cần đưa ngay trẻ vào lề đường…).

- Quan sát vết thương toàn thân của trẻ, nếu thấy chảy máu ồ ạt thì cần băng ép cầm máu cho trẻ, vì chảy máu là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sốc, vết thương chảy máu cũng là chấn thương thường gặp nhất khi bị tai nạn giao thông.

- Bảo vệ cột sống của trẻ, không được di chuyển trẻ nhanh, mạnh như bế trẻ chạy, gập hay ngửa cổ… tránh để trẻ bị tổn thương cột sống cổ thứ phát, gây nên tình trạng trạng liệt cho trẻ về sau.

- Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục