Những ai dễ bị ngưng thở khi ngủ?

P.V, icon
09:36 ngày 12/10/2019

VTV.vn - Ngưng thở khi ngủ là tình trạng hô hấp bị gián đoạn lặp đi lặp lại khi ngủ, làm giảm oxy trong máu gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Hình minh họa.

Theo ThS BS. Hoàng Đình Hữu Hạnh - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trong thời gian biểu sớm của bệnh ngưng thở khi ngủ, có thể chỉ xuất hiện tình trạng ngáy hay nấc trong giấc ngủ ban đêm, làm giảm chất lượng cuộc sống: hay bị viêm họng, trào ngược dạ dày - thực quản. Theo thời gian, khi xuất hiện tình trạng ngưng thở, sức khỏe người bệnh sẽ bị suy giảm nhanh chóng và thậm chí còn có thể gây ra những biến chứng rất đáng tiếc như đột quỵ.

Một số yếu tố nguy cơ của ngưng thở khi ngủ

- Nam giới trên 40 tuổi.

- Béo phì (chỉ số khối cơ thể cao hơn 24).

- Vòng cổ to (nam trên 40 cm và nữ trên 39 cm).

- Dùng thường xuyên các chất kích thích như rượu, thuốc lá, bệnh parkinson, trầm cảm…

- Bất thường giải phẫu của đường hô hấp trên như: lưỡi to, vòm họng hẹp, phì đại amidan, cằm lẹm.

- Thường xuyên có trào ngược dạ dày, viêm họng mạn…

- Tiền căn bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang.

Cũng theo ThS BS. Hoàng Đình Hữu Hạnh, có 3 loại ngưng thở khi ngủ: ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn; ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương; ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân hỗn hợp.

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn chiếm phần lớn trong các loại ngưng thở khi ngủ. Luồng không khí bị tắc nghẽn không thể lưu thông bình thường ở vùng hô hấp trên gây nên hiện tượng ngưng thở. Trong trường hợp nặng, có thể kết hợp với xẹp đường hô hấp dưới. Loại ngưng thở này điều trị tương đối hiệu quả, tùy theo độ nặng của bệnh để chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Ngưng thở do nguyên nhân trung ương cơ chế phức tạp hơn. Nguyên nhân chính là do tổn thương trung khu hô hấp ở não nên không thể điều khiển hơi thở, điều trị loại này cũng phức tạp và ít hiệu quả hơn.

Triệu chứng ngưng thở khi ngủ

Người bị ngưng thở khi ngủ thường không thể tự nhận biết vì xảy ra khi đang ngủ, triệu chứng khởi phát bệnh có thể chỉ là ngáy trong đêm. Khi chỉ ngáy đơn thuần trong đêm, người bệnh chỉ bị giảm chất lượng cuộc sống, khi người thân quan sát thấy những đợt thở ngắt quãng gắng sức khi ngủ thì nên động viên người bệnh đi khám bệnh để tránh các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn:

- Thở nấc hay thở ngắt quãng tái đi tại lại trong đêm.

- Tiểu đêm, thức giấc nhiều lần, giấc ngủ không sâu.

- Nhức đầu buổi sáng, thức dậy mệt mỏi không sảng khoái.

- Giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung.

- Thay đổi tính tình trở nên cáu gắt.

- Buồn ngủ ngày, hay ngủ gật.

- Giảm ham muốn tình dục.

Ngưng thở khi ngủ lâu ngày sẽ gây giảm oxy máu, tăng nồng độ CO2 và gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng. Thay vì được nghỉ ngơi, các tạng trong cơ thể sẽ phải làm việc nhiều hơn để bù trừ tình trạng thiếu oxy não có thể gây đột quỵ, suy tim, tăng huyết áp mất kiểm soát, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường mất kiểm soát …

Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ

Khi người bệnh có một trong hai triệu chứng: ngáy hay thở ngắt quãng hằng đêm do người nhà quan sát thấy. Khi khám bệnh, người bệnh được tầm soát bằng bảng câu hỏi, cùng các chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán. Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định chính là đa ký giấc ngủ: để người bệnh ngủ lại một đêm tại bệnh viện, được nhân viên y tế theo dõi cả đêm qua camera.

Ngoài ra đo điện não, điện cơ, điện mắt, đo oxy máu… từ đó tìm ra mức độ nặng của ngưng thở và kiểu ngưng thở để điều trị chính xác và hiệu quả. Phòng đa ký giấc ngủ được thiết kế gần như khách sạn cao cấp để người bệnh không có cảm giác như đang nằm bệnh viện.

Sau khi có kết quả đa ký giấc ngủ, có thể chẩn đoán chi tiết kiểu và mức độ nặng của ngưng thở khi ngủ để từ đó xác định được phương pháp điều trị thích hợp. Khoảng 80% các trường hợp ngưng thở khi ngủ là do nguyên nhân tắc nghẽn. Căn cứ vào chỉ số rối loạn hô hấp khi ngủ hay chỉ số ngưng thở và giảm thở để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục