Những sai lầm khiến trẻ mắc tay chân miệng trở nặng

Mai Lê, Quang Nhật, icon
06:01 ngày 02/06/2022

VTV.vn - Tay chân miệng không phải là một bệnh mới, nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn những quan niệm sai lầm trong cách chăm sóc khiến bệnh của trẻ trở nặng.

Không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da và thuốc uống cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Tại Đắk Lắk, số trẻ mắc tay chân miệng bắt đầu xuất hiện và gia tăng. Tính đến ngày 1/6, toàn tỉnh ghi nhận 134 trường hợp mắc tay chân miệng, tập trung chủ yếu tại TP. Buôn Ma Thuột với 70 trường hợp, huyện Krông Pắk 12 trường hợp, huyện Cư M’gar 7 trường hợp và huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Ea Súp, Buôn Hồ 6 trường hợp.

Dự báo bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới bởi việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch... gia tăng sau khi cả nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng đường ruột gây ra, thường xảy ra đối với trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ. Trẻ mắc bệnh tay, chân, miệng thường có các triệu chứng điển hình như nốt hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng (gây vết loét miệng), đầu gối, mông kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, nôn ói và tiêu chảy...

Đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị và chưa có vaccine phòng bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, chủ yếu được điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và các biến chứng nếu có. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus Entero 71, thì có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi… khi không phát hiện và xử trí kịp thời.

Cũng theo bác sĩ Minh, mặc dù tay chân miệng không phải là một bệnh mới, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm trong cách chăm sóc trẻ khiến bệnh của trẻ trở nặng. Cụ thể, nhiều phụ huynh khi thấy con mắc bệnh, nổi bọng nước thì hạn chế tắm rửa, cho trẻ mặc đồ quá kín hoặc có nhiều phụ huynh tự ý bôi các loại thuốc lên da, các nốt ban của trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Những việc làm trên có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng da hoặc làm che lấp đi các dấu hiệu chuyển nặng của trẻ, khiến các bác sĩ rất khó chẩn đoán hay theo dõi diễn tiến bệnh. Do đó, phụ huynh cần lưu ý, nên vệ sinh tắm rửa sạch sẽ, cho trẻ mặc thoáng mát, đồng thời đảm bảo cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, không kiêng khem quá mức. Không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da và thuốc uống cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, không ít phụ huynh quan niệm cho trẻ ở nhà thì không bị tay chân miệng. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng có thể lây qua trung gian người chăm sóc. Trẻ không đi mẫu giáo vẫn có thể mắc bệnh do tiếp xúc người mắc bệnh không có triệu chứng, thường là người lớn. Cha mẹ, người thân hoàn toàn có thể mang bệnh về cho con nếu không vệ sinh sạch sẽ. Vì thế, cần giữ vệ sinh chung, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi, lau dọn nhà cửa… để hạn chế nguồn lây bệnh cho trẻ.

Bác sĩ Minh lưu ý: Khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng tại nhà cần lưu ý các dấu hiệu trở nặng của trẻ để đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời. Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ trở nặng rất nhanh, nếu thấy trẻ sốt cao liên tục, giật mình, chới với cần ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Cha mẹ có con bị tay chân miệng nên cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục