Nỗ lực và thành công trong điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em

Thảo Vi, icon
07:12 ngày 09/04/2019

VTV.vn - Thông liên thất là một dạng phổ biến của bệnh tim bẩm sinh. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, thông liên thất không còn là bệnh khó với tỷ lệ phẫu thuật thành công cao.

Bệnh tim bẩm sinh có 2 nhóm chính đó là: tím sớm và không tím sớm, biểu hiện qua niêm mạc dưới lưỡi hoặc niêm mạc mắt. Trong đó bệnh nhân có biểu hiện tím chỉ chiếm 20%, còn không tím chiếm tới 80%. Bởi vậy việc nhận biết bằng mắt thường, đặc biệt là người không có chuyên môn là việc không dễ dàng.

Thông liên thất thuộc nhóm không có biểu hiện tím sớm nên nhiều trẻ bị bệnh nhưng gia đình không biết mà chỉ được phát hiện khi đi khám một bệnh khác. Vì thế, rất nhiều trẻ em bị mắc bệnh nặng. Phần lớn các em ở những vùng sâu, vùng xa điều kiện khó khăn.

Nỗ lực và thành công trong điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Minh Vương chia sẻ với nhóm phóng viên chương trình Trái tim cho em.

"Đối với bệnh nhân thông liên thất, điều mấu chốt là chuẩn đoán và phát hiện sớm. Có tỷ lệ nhất định thông liên thất lỗ lớn gây suy tim, gây nhiễm trùng tái đi tái lại, nếu không xử lý thì sẽ để lại những cái hậu quả rất nghiêm trọng. Với những trường hợp đó cần phải điều trị sớm và thực hiện phẫu thuật trong giai đoạn từ một đến hai tháng tuổi" - bác sĩ nội khoa Nguyễn Minh Vương, Trung tâm Tim mạch Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết.

Những căn nguyên của căn bệnh này có thể kể đến như: Yếu tố di truyền; người mẹ sử dụng thuốc điều trị khối u hoặc vô tình sử dụng vitamin A trong điều trị mụn trứng cá khi mang thai; hay nhiễm độc tố từ môi trường...

Trên thế giới, việc phát hiện và điều trị bệnh tim bẩm sinh nói chung và thông liên thất nói riêng đã bắt đầu từ những năm 1950. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp nào cụ thể để phòng và loại bỏ căn bệnh này, mà chủ yếu tập trung xử lý bệnh với tỷ lệ phẫu thuật thành công hiện nay là trên 97%.

Tuy nhiên sau khi phẫu thuật cũng cần có những lưu ý trong việc chăm sóc để tránh biến chứng.

Nỗ lực và thành công trong điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em - Ảnh 2.

Điều dưỡng Mai Hương cho biết chăm sóc hậu phẫu rất quan trọng cho trẻ.

Điều dưỡng trưởng Trần Thị Mai Hương - Trung tâm Tim mạch Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: "Sau mổ thông liên thất, bệnh nhân có lúc bị loạn nhịp và cần có sự theo dõi liên tục. Thêm vào đó, cần lưu ý nguyên tắc chống nhiễm trùng thông thường của bệnh nhân sau mổ vì có nguy cơ nhiễm trùng rất cao bao gồm: nhiễm trùng xương ức, nhiễm trùng vết mổ. Bên cạnh đó, những bệnh nhân nằm thở máy trong đơn vị hồi sức phải đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, tránh tình trạng bội nhiễm cho trẻ".

Vài năm trở lại đây, Trung tâm tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương tích cực phối hợp với các giáo sư, bác sĩ đầu ngành về bệnh tim của các trường đại học và bệnh viện uy tín trên thế giới để tiếp cận với những phương pháp điều trị tối ưu dành cho trẻ em, nhằm điều trị tốt sau sinh. Sự nỗ lực của các y bác sĩ được trả kết quả bằng chính sức khỏe và cuộc sống mới của những trái tim lỗi nhịp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục