Nút mạch cầm máu điều trị cho sản phụ chửa trên vết mổ cũ

P.V, icon
06:37 ngày 26/11/2019

VTV.vn - Bệnh nhân Đ.T.H. (25 tuổi, trú tại Móng Cái, Quảng Ninh) có tiền sử phẫu thuật lấy thai 1 lần, nhập viện vì thai 7 tuần, chửa vết mổ.

Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đánh giá đây là một thai nghén nguy cơ cao nên trong quá trình nằm viện, bệnh nhân đã được quan tâm chăm sóc đặc biệt. Bệnh nhân đã được điều trị hóa trị bước đầu bằng Methotrexat đa liều, sau đó hút thai dưới siêu âm, cầm máu bằng nhiều phương pháp: Thuốc và chèn bóng đoạn eo tử cung.

Sau hơn 20 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn còn rong huyết, khối máu tụ đoạn eo tử cung lớn và tiên lượng khả năng giữ tử cung của bệnh nhân thấp. Các bác sĩ đã tăng cường hội chẩn cố gắng giữ tử cung để đảm bảo khả năng mang thai cho bệnh nhân trong tương lai.

Cuối cùng, để tránh cho bệnh nhân cuộc phẫu thuật, phương pháp nút mạch cầm máu đã được đề ra. Các bác sĩ tiến hành nút mạch thành công khối máu tụ 56 x 72mm đoạn eo tử cung cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, kỹ thuật nút mạch cầm máu là kỹ thuật cao, hiện đại nhưng chi phí không cao mà vẫn bảo tồn được tử cung, an toàn do chọn lọc mạch. Kỹ thuật này sẽ mở ra tương lai đầy triển vọng điều trị cho những bệnh nhân còn nguyện vọng có thai nhưng mắc các bệnh lý như u xơ cơ tử cung, chửa vết mổ, băng huyết sau đẻ, sau mổ lấy thai…

Các bác sĩ cũng khuyến cáo: Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nếu có vết mổ đẻ cũ khi có thai cần được thăm khám sớm. Qua đó, xác định vị trí chính xác của thai nhằm loại bỏ trường hợp chửa tại vết mổ đẻ cũ vì rất nguy hiểm. Đặc biệt, với những trường hợp đi khám thai, nếu phát hiện có túi ối ở vị trí bất thường thì cần phải siêu âm bằng doppler và phải hội chẩn với những người có kinh nghiệm để hạn chế nguy cơ rủi ro cho người bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục