Ô nhiễm không khí ảnh hưởng gì tới hệ hô hấp?

P.V, icon
06:07 ngày 25/09/2019

VTV.vn - Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp và vùng tai mũi họng mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan trong toàn cơ thể như phổi và hệ thống mạch máu.

Hình minh họa.

Những ngày qua, tại TP.HCM xuất hiện lớp mù khiến tầm nhìn hạn chế, các tòa nhà như bị biến mất sau lớp màu trắng đục. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: Hiện tượng này là mù chứ không phải sương mù. Nguyên nhân là dải hội tụ nhiệt đới hình thành, phát triển gây mưa nhiều, nhiệt độ ban ngày thấp, nên độ ẩm không khí cao tạo thành lớp mù. Đây cũng là biểu hiện của không khí bị ô nhiễm, hàm lượng bụi trong không khí cao.

Theo các bác sĩ Khoa Phổi - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hô hấp ở mức độ cấp tính và mạn tính. Ở mức độ cấp tính, tình trạng này gây ra các triệu chứng như ho và khò khè. Ở tình trạng mạn tính, không khí ô nhiễm có thể dẫn đến hen suyễn, viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Không khí ô nhiễm cũng làm gia tăng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn và các triệu chứng dị ứng ở trẻ em, khiến cho bệnh nhân hen và COPD dễ bị phát bệnh cấp và nhập viện nhiều hơn. Đồng thời, nó làm tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim, thúc đẩy bệnh xơ gan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến hệ thần kinh...

Để phòng ngừa và giảm tác động của ô nhiễm không khí, các bác sĩ khuyến cáo:

- Cần chú ý ăn uống sạch, uống nhiều nước.

- Vệ sinh mũi - họng hàng ngày.

- Cần sử dụng các loại khẩu trang chuyên dụng khi đi đường hoặc khi tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bẩn, khói bụi.

- Lựa chọn nơi ở thoáng mát, nhiều cây xanh càng tốt.

- Tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức đề kháng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục